09/08/2023 15:09
Theo bà Phạm Nguyễn Minh Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, Hòn Đất (Kiên Giang) mô hình tái chế bạt nhựa cũ được hình thành năm 2020 với sự hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vòng tay tử tế. Mô hình này nhằm giảm thiểu số lượng rác thải nhựa đang thải ra môi trường thông qua việc tái chế, tận dụng những vật liệu nhựa để tạo ra những sản phẩm có ích, có thể ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Ý tưởng ban đầu là sử dụng những tấm bạt nhựa cũ từ các panô, áp phích tuyên truyền của các tổ chức, cá nhân không còn sử dụng, trường thu gom về để làm vật liệu chính, cắt may thành các sản phẩm như giỏ xách đi chợ, túi trồng cây…
Để có thể may một sản phẩm hoàn chỉnh, các tấm bạt sau khi được thu gom về sẽ được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô. Sau đó, tùy theo mẫu, thợ sẽ đo, vẽ, cắt cẩn thận rồi tiến hành may thành các sản phẩm.
Với ưu điểm của bạt nhựa là khả năng chống nước, bền chắc, có thể tái sử dụng nhiều lần, các sản phẩm tái chế từ bạt nhựa cũng mang độ bền cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Bạt nhựa được tái chế may thành giỏ xách đi chợ.
Ngoài giỏ xách, Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm còn dùng bạt nhựa kết hợp với vải vụn để may thêm nhiều sản phẩm với mẫu mã đa dạng như bóp viết, ví tiền, túi vải, túi đựng tài liệu…
Qua 3 năm, trường đã sản xuất hơn 5.000 giỏ xách, hơn 1.000 túi trồng cây và nhiều sản phẩm khác được tái chế từ bạt nhựa, giúp trường có thêm kinh phí để duy trì các hoạt động và giúp các em học sinh Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm có thêm thu nhập.
“Nhận thấy được việc làm ý nghĩa của trường, nhiều tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn các huyện đồng tình ủng hộ. Những sản phẩm của trường được chị em phụ nữ tại địa bàn đặt mua để làm quà tặng cho người thân. Nhiều chị em phụ nữ còn kêu gọi thu gom bạt nhựa cũ để tặng lại cho trường, giúp trường có điều kiện duy trì mô hình”, bà Phạm Nguyễn Minh Hiếu cho biết.
Không giống như các thợ may bình thường, các thợ may ở đây đều là các bạn trẻ bị khuyết tật, được các sơ hướng dẫn tận tình, nhiều lúc may sai, phải may đi may lại nhiều lần, nhưng các bạn đều rất nhiệt tình và yêu thích công việc này.
Em Mai Như, ngụ thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) đã tham gia hoạt động này gần 3 năm chia sẻ: “Em cảm thấy đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải nhựa, giúp bảo vệ môi trường. Hơn nữa, nhờ công việc may bạt nhựa mà em có thể kiếm được tiền mỗi tháng 1-2 triệu đồng để phụ giúp cho gia đình”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: