17/04/2023 09:46
Nghề khuân vác lúa chủ yếu làm thời vụ, hết vụ lúa những người vác lúa mướn tìm việc khác để mưu sinh, chờ vụ mùa tiếp theo. Tháng 3, 4 là thời điểm thu hoạch lúa, nghề khuân vác lúa bắt đầu vào vụ.
Dưới cái nắng gay gắt, nhóm khuân vác hơn 10 người đủ độ tuổi, là những nông dân vùng quê, người lao động tự do vẫn cần mẫn với công việc, người chất lúa, người vác lúa. Năm nay 60 tuổi, ông Lê Văn Phan, ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) vẫn khỏe, đôi chân nhanh nhẹn vững bước trên tấm ván dài, vác bao lúa nặng hơn 50kg xuống ghe.
Nghỉ tay uống nước, ông Phan chia sẻ: “Nghề khuân vác lúa vất vả ai không có sức không làm được, có khi chúng tôi bị trật chân, trẹo vai, ngứa vì bụi lúa, hạt lúa bay vào mắt. Công việc không ổn định, đến vụ thu hoạch lúa mới làm được, chỉ kéo dài hơn tháng. Nghề này không quy định thời gian, tôi làm mệt thì nghỉ, vác lúa khi nào xong thì thôi. Có ngày tôi làm từ sáng sớm đến đêm khuya mới xong việc, về nhà tôi đau nhức toàn thân nhưng tôi cố gắng làm”.
Ông Lê Văn Phan vác lúa xuống ghe.
Ông Phan làm nghề vác lúa mướn nhiều năm. Gia đình không có đất canh tác, các con lập gia đình và đều đi làm xa, ông Phan đi vác lúa mướn. Hết vụ lúa, ông làm việc khác.
Hơn 7 năm nay, anh Danh Hận, ngụ ấp Hòa Hiếu 2, xã Định Hòa, huyện Gò Quao làm nghề vác lúa mướn. Anh Hận cho biết: “Mỗi ngày tôi kiếm được vài trăm ngàn, ít thì được vài chục ngàn, phụ thuộc vào số lượng lúa người dân thu hoạch. Đang vào vụ nên tôi tranh thủ làm kiếm thêm thu nhập. Tiền công thuê vác lúa được tính theo khối lượng, 80.000 đồng/tấn lúa. Mỗi bao lúa nặng từ 45-55kg, trung bình mỗi ngày chúng tôi vác hơn 4 tấn lúa với khoảng 80 bao lúa”.
Cũng như những người lao động khác mong có thu nhập lo cho gia đình, anh Huỳnh Văn Hiểu, ngụ ấp Mười Hùng, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao làm nghề khuân vác vật liệu xây dựng hơn 10 năm nay. Gia đình anh Hiểu có ít đất, phải chờ đến vụ lúa mới có thu nhập, anh Hiểu làm nghề này với mong muốn gần nhà, có thời gian chăm sóc gia đình.
Anh Huỳnh Văn Hiểu với cần xé cát trên vai.
Tay dùng xẻng xúc cát lên chiếc xe rùa, áo ướt đẫm mồ hôi, anh Hiểu chia sẻ: “Vác vật liệu xây dựng tốn nhiều sức, lúc mới làm tôi không quen, tối về đau nhức toàn thân nhưng giờ dần quen. Vác cát đá bụi nhiều dễ bay vô mắt, còn vác xi măng thì gây bào mòn da. Tháng nắng chúng tôi dễ đi lại hơn, tháng mưa lên xuống ghe trơn trượt khó đi lại”.
Công việc khuân vác vật liệu xây dựng làm quanh năm, không phải thời vụ như vác lúa. Tiền công không tính theo ngày, mỗi khối cát, đá vác thuê được tính 50.000 đồng. Mỗi ngày, anh Hiểu kiếm từ 200.000-300.000 đồng.
Kiếm tiền từ nghề khuân vác không dễ, phải đổ biết bao mồ hôi, công sức mới được vài trăm ngàn đồng/ngày. Mỗi bước đi, đôi vai của những người làm nghề đều nặng gánh những bao lúa, bao xi măng, cần xé cát, đá và nặng cả những lo toan trong cuộc sống. Khó khăn, vất vả, nhọc nhằn nhưng họ vẫn cố gắng với công việc để có cuộc sống tốt hơn.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Cá linh có thể đem chế biến nhiều món ngon, dễ làm, không tốn nhiều thời gian.
Tổng số lượt truy cập: