19/06/2023 14:13
Trái bần mọc thành từng chùm.
Ở miền Tây quê tôi, bần mọc thành hàng, đan xen với nhiều loại cây sống ngập nước, trong đó có dừa nước. Bần là loài cây có sức sống mãnh liệt. Rễ bền mọc chằng chịt, bám chắt, sâu vào đất. Nước ngập cỡ nào thì bần vẫn xanh tươi.
Thời thơ ấu, những trưa hè oi ả, tụi con nít chúng tôi hay trèo lên cây bần bắt tổ chim rồi nhảy ùm xuống sông. Đêm đến thì canh bắt đom đóm thắp đèn, hàng bần như mở hội hoa đăng.
Đối với những đứa trẻ nơi đồng quê như chị em tôi thường thưởng thức món ăn vặt trời ban này theo cách đơn giản. Đứa trèo bần, đứa cằm nón lá hay áo hứng dưới gốc cây. Cầm trái bần trên tay, quẹt vội vào áo rồi chấm muối hột, cứ vậy đưa lên miệng cắn.
Quê nghèo quà ăn vặt thiếu thốn, trái bần ăn với muối hột vừa có vị chua, lại vừa chát, vừa mặn, vậy mà tụi trẻ con chúng tôi thấy ngon đến lạ. Những cái miệng dính mủ bần, những cái nhăn mặt vì chua ở cái thuở hồn nhiên để lại trong tôi cả một trời kỷ niệm.
Cuống bần nở ra là khi trái bần chuẩn bị chín.
Mùa mưa đến là bông bần nở, lúc còn búp bông tim tím, đến khi bung nở thì trắng tinh một màu. Bần có hai loại mà dân quê tôi gọi là bần ổi và bần dĩa. Bần ổi thì trái vừa, còn bần dĩa thì bự như cái dĩa.
Những đứa con nít thì khoái ăn bần dốt dốt vừa chín tới. Trái bần mềm, xẻ ra chấm muối ớt, vị chua vị chát, mùi thơm thoang thoảng. Còn đối với những người lớn thì hái bần chua, rồi kèm thêm dĩa mắm sặc là có một món nhâm nhi với bạn hữu. Trái bần vừa chín tới, ăn vừa bùi vừa thơm, pha lẫn vị chát của hạt bần làm cho con mắm sặc có sức quyến rũ đến lạ.
Trong ký ức tôi, hàng bần xanh xanh lẫn dòng nước dập dền xôn xao với một màu xanh của vùng quê. Quê hương, hình ảnh của ngoại, mẹ, cùng giọng ru ầu ơ bên chiếc võng những buổi trưa hè, dù có đi đâu xa thì quê hương nguồn cội cũng luôn làm cho mỗi người khắc khoải khôn nguôi với những hàng bần soi bóng bên dòng sông.
Bần chín chấm muối hột hoặc muối ớt là món ăn khoái khẩu của nhiều đứa trẻ miền sông nước.
Sau nhà ngoại tôi, bần ổi mọc nhiều lắm. Mẹ tôi kể, hồi đó sau nhà ngoại đất hoang nên cây bần mọc nhiều. Chừng tháng 6, tháng 7 là lúc bần chín rộ, mẹ lại hái bần vào nấu canh chua cho cả nhà ăn. Khi lớn, chị em tôi lại được hưởng ké món ăn này, bởi quê ngoại còn nhiều bần. Món canh chua bần dân dã nhưng lại “bắt" cơm, nhất là ăn với món cá kho quẹt thì ngon hết sẩy.
Rất lâu rồi tôi mới được thưởng thức lại món canh chua bần, lòng tôi cứ bồi hồi, vị quê sao mà đậm đà, tha thiết quá!
Nguyên liệu nấu canh chua bần rất đơn giản.
Cách nấu món canh chua bần của mẹ cực kỳ đơn giản, cứ bắt nồi nước cho sôi, bỏ vài trái bần chín vào nấu mềm rồi vớt ra dầm lấy nước chua. Đợi nước sôi cho cá vào, rau bổi tùy thích, có gì nấu nấy.
Canh chua bần ngon nhất là nấu với cá ngát, cá bông lau. Không có mấy loại cá đó thì cá lóc, cá phi ngon cũng không kém. Chờ cá vừa chín tới thì thả rau vào, nêm nếm vừa ăn, cho thêm ít rau mùi cùng vài lát ớt rồi dọn ra thưởng thức.
Món canh nóng hổi, mùi thơm của bần, cộng với vị chua, cay, ngọt của nước canh chua tạo nên hương vị đặc biệt. Giữa trưa hè oi bức mà được hút một chén canh chua bần nóng hổi thì còn gì bằng.
Tô canh chua bần với cá ngát hấp dẫn.
Với những người con miền sông nước như tôi, dù đi đâu, hình ảnh rạng bần xanh tươi, trái bần chín thơm lừng vẫn chảy tràn trong tâm thức.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: