18/11/2022 15:49
VƯỢT LÊN HOÀN CẢNH, SỐNG TÍCH CỰC
Ông Dũng kể: “Lúc 3 tuổi, tôi bị bệnh nhưng vì nhà nghèo nên chỉ uống thuốc nam nên bệnh của tôi không khỏi, lâu dần đôi mắt tôi không thấy gì nữa”.
Sống trong bóng tối khi còn quá nhỏ, ông Dũng được sự bảo bọc của cha mẹ, thế nhưng khi ở tuổi thiếu niên, ông ý thức nên buồn cho số phận mình. Sự chán nản trong ông càng lớn, ông cộc tính, sống lặng lẽ, khép mình suốt nhiều năm.
Đến khi trưởng thành, thấy cha mẹ già vất vả chăm sóc cho mình, ông Dũng dần thay đổi và sống tích cực hơn. “Tôi học cách chăm sóc bản thân, học làm việc nhà. Tôi lắng nghe mọi thứ âm thanh để xác định phương hướng, mân mê từng ngõ ngách trong nhà, từng cái chén, đôi đũa để lo cái ăn cho mình. Riết thành quen, dần dần tôi có thể làm mọi việc mà không phụ thuộc vào người khác”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng còn học cách đặt trúm, bắt ốc, thậm chí xịt thuốc cho lúa... Đến mùa lươn, ông đặt trúm ở mấy cánh đồng gần nhà. Khi nước trên đồng rút, ông đặt trúm ở các con mương cặp mé ruộng. “Do không thấy đường nên tôi để ý tầm chục bước chân thì đặt một ống, cứ như vậy đến hết thì thôi. Mấy ống trúm của tôi ngày nào cũng dính vài con lươn”, ông Dũng nói.
Ông Dũng đi bắt ốc.
Chúng tôi theo chân ông ra đồng đặt lươn, bắt ốc. Trên vai ông là chiếc can nhựa, mấy ống trúm và cây gậy để dò đường. Ông khá rành đường vì đây là đoạn đường ông quen thuộc.
“Trước đây, tôi không quen đường, bị ngã hoài. Đi nhiều, quen đường nên giờ tôi không còn sợ ngã. Việc gì tôi cũng để ý, ghi nhớ trong đầu. Ví dụ như đi đường đó bao nhiêu bước chân sẽ đến cái gì, nhiều lần như vậy thành quen”, ông Dũng chia sẻ.
Chọn được nơi đặt trúm, ông Dũng cẩn thận dùng cây gậy dò mé nước, một chân đưa xuống mé ruộng giữ thăng bằng rồi đặt ống trúm và lấy cỏ ghìm lại cho khỏi trôi. Động tác thành thục, dứt khoát của ông không thua bất cứ người thợ đặt trúm lành nghề nào...
Sau khi đi đặt trúm xong, ông Dũng mời chúng tôi ngồi cùng gia đình bên phía hông nhà thưởng thức đặc sản miền quê ông vừa bắt được. Ông Dũng còn khiến chúng tôi bất ngờ với tài lẻ chơi đàn guitar và hát vọng cổ hay. Những bài hát của ông thể hiện niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống.
GIA ĐÌNH ĐẦY ẮP YÊU THƯƠNG
Ông Dũng nói: “Tôi không may khuyết tật nhưng lại may mắn có một gia đình hạnh phúc, con ngoan, bản thân không là gánh nặng cho người thân, vậy nên tôi không buồn”.
Trong những câu chuyện về cuộc đời mình, ông Dũng còn kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của mình hơn 20 năm về trước. Khi đó, ông còn nhiều mặc cảm, không dám nghĩ đến chuyện yêu ai. Vậy mà qua lời mai mối của người chú, ông Dũng gặp bà Thị Ánh, bà Ánh bị hở hàm ếch. Chỉ sau vài lần gặp, hai người nên duyên vợ chồng.
Ông Dũng kể: “Hồi đó, mỗi lần ai nói về chuyện lập gia đình, tôi tủi thân lắm vì tôi nghĩ mình mù ai mà thương. Khi được mai mối, bà Ánh chịu là tôi cưới luôn”.
Cưới nhau, vợ chồng ông Dũng ra riêng với của hồi môn cha mẹ cho là một công đất. Vợ chồng ông làm lúa. Vợ chồng ông có 3 người con, dù cuộc sống không khá giả nhưng trong gia đình nhỏ luôn đầy ắp sự yêu thương. “Chắc do duyên số, gặp ông Dũng là tôi thương liền. Sau bao năm chung sống, vợ chồng tôi vẫn yêu thương nhau”, bà Ánh chia sẻ.
“Anh Dũng rất siêng năng. Tới mùa, anh đi xịt thuốc cho lúa rồi đi đặt lươn, bắt ốc… Tôi khỏe mạnh mà làm không bằng anh. Ở ấp này, nhiều người có việc gì là kêu vợ chồng anh Dũng làm vì anh chị siêng năng lại làm kỹ”, anh Trần Văn Triệu, ngụ ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc cho biết.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Mắm lụa được xem là một trong những món ăn đặc sản độc đáo, ngon, lạ miệng của người dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Món ăn dân dã nhưng khi thưởng thức sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tổng số lượt truy cập: