13/11/2022 08:43
Ở quê, ngoài công việc làm ruộng, làm vườn còn có các nghề mưu sinh theo mùa, mùa nào thức ấy, đó là lối sinh hoạt có từ bao đời của người dân vùng sông nước. Vào mùa mưa, sản vật đồng quê dồi dào với các loại cá đồng, ếch, nhái, lươn…
Tùy đặc tính của từng loài, người dân ở những vùng quê sử dụng dụng cụ và hình thức đánh bắt phù hợp. Các nghề cắm câu, đặt lọp, đặt trúm từ lâu trở thành nghề mưu sinh dân dã gắn với người dân miền quê và là một phần không thể thiếu của hồn quê sông nước Nam bộ.
Nhờ kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều thế hệ cùng sự sáng tạo độc đáo của người dân miền quê mà mỗi sản vật có nhiều cách đánh bắt. Riêng việc bắt ếch đã có các hình thức như câu, cắm câu, đặt lọp ếch là một trong những hình thức đánh bắt ếch hiệu quả cao. Hầu hết trẻ con miền quê đều có ký ức về nghề mưu sinh của gia đình.
Với tôi, ký ức về các nghề mưu sinh ấy càng in đậm trong tiềm thức bởi đó là nghề mưu sinh chính của gia đình tôi. Cha tôi kể, thời niên thiếu của cha khó khăn nên cha sớm theo ông học làm trúm đặt lươn, làm cần câu cắm cá, đặt lọp ếch để mưu sinh.
Cũng như các loại lọp đặt cá, lọp ếch có hình trụ tròn, kích thước nhỏ và ngắn hơn, cấu tạo hom nằm ngang chứ không tròn như hom lọp cá. Ếch thường sống trong hang bùn sâu, tối và ẩm nên để bẫy được ếch cần làm lọp có cấu tạo tương tự như vậy, vì vậy những chiếc lọp ếch được may thêm phần bao ở ngoài để che ánh sáng. Mặc dù có nhiều cách bắt ếch nhưng cha tôi chọn cách đặt lọp là vì khi ếch chui vào lọp vẫn khỏe, rộng lại lâu hơn.
Vì đã gắn bó với ruộng đồng, sông nước và nghề lọp ếch hàng chục năm nên cha tôi thuộc từng ngóc ngách của những khu vườn, thửa ruộng. Nơi nào có ếch trú ngụ hoặc đường mòn ếch đi kiếm ăn thì cha tôi chỉ cần nhìn bề mặt cỏ, mặt đất bùn là biết.
Khi đặt lọp, cha tôi thường chọn chỗ kỹ rồi mới đặt lọp xuống, khi đi đặt phải quay miệng hom nằm ngang để ếch dễ chui vào, sau đó cố định chiếc lọp lại bằng 1 nhánh cây uốn cong theo chiều vòng tròn của thân lọp.
Mỗi buổi sáng khi mặt trời còn chưa ló dạng, người dân quê tôi đã dậy để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Ngày nào cha cũng dậy từ sáng để chuẩn bị đi thăm lọp. Dù phải tìm chỗ để đặt hàng chục cái lọp khắp mọi ngóc ngách của những khu vườn, thửa ruộng nhưng cha tôi vẫn nhớ rõ từng cái lọp được đặt ở vị trí nào, vì vậy việc thăm lọp không mất nhiều thời gian. Chẳng mấy chốc, hàng chục cái lọp được gom đủ về nhà chờ đổ ếch ra cân cho thương lái.
Vào mùa ếch đồng, ếch chạy lọp thấy ham lắm, có lọp chạy 5-6 con ếch nằm sát nhau trong lọp, bữa nào trúng thì 5-7kg, ít thì 3-4kg ếch. Phần bán, phần chừa lại ăn không phải đi chợ nên cũng tiết kiệm chi phí để chúng tôi đi học.
Những chiếc lọp ếch của anh Danh Sang, ngụ ấp Tân Thành, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chuẩn bị đi đặt trên đồng.
Ếch đồng vừa ngon vừa bổ nên mỗi ngày sau khi cân cho thương lái, mẹ tôi thường chừa lại một ít rộng trong túi lưới để nấu vài món ngon cho cả nhà. Các món ăn quen thuộc từ ếch đồng hấp dẫn chúng tôi bởi qua bàn tay khéo léo của mẹ, các món ếch đồng càng thơm ngon. Gia đình tôi thường xuyên ăn món cà ri ếch. Thịt ếch dai, thơm ngọt nấu cà ri ngon không kém thịt gà, vịt.
Mâm cơm cây nhà lá vườn nhưng hấp dẫn, cả nhà quây quần bên nhau sau buổi lao động mệt nhọc. Mọi người vừa thưởng thức món ngon từ hương vị ếch đồng vừa nhâm nhi vài ly rượu, khi đó những câu chuyện về đời sống nơi miền quê thôn dã râm ran suốt buổi.
Bên dòng kênh hiền hòa, mọi người vừa thưởng thức món ngon từ sản vật quê nhà vừa nghe chị Tư kể chuyện vịt nhà chị chạy đồng, anh Sáu kể lúa nay cắt mấy công, được bao nhiêu giạ, cha tôi thăm lọp ếch có trúng không? Rồi những chuyện buồn vui trong mỗi nghề được sẻ chia và thấu hiểu với nhau cùng những tiếng cười rôm rả xua đi bao nhọc nhằn trong cuộc sống.
Một ngày mới bắt đầu, khi chúng tôi dậy học và ăn sáng với dĩa ếch chiên nóng giòn để no lòng đi học cũng là lúc cha tôi lặn lội trên những thửa ruộng tìm thăm lọp. Để chúng tôi được cơm no, áo ấm, cha mẹ chịu bao vất vả. Thế nhưng, cha mẹ tôi vẫn kiên trì để con mình được ấm no, ăn học nên người.
Niềm vui của người dân miền quê giản dị mà cũng sâu sắc bởi có sự nghiệp nào lớn hơn sự nghiệp trồng người. Cứ thế, cha mẹ tôi vui sống giữa ruộng vườn, sông nước quê hương cũng cứ thế mà cần cù, chịu thương, chịu khó mưu sinh.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Mắm lụa được xem là một trong những món ăn đặc sản độc đáo, ngon, lạ miệng của người dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Món ăn dân dã nhưng khi thưởng thức sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tổng số lượt truy cập: