22/09/2023 09:28
Bọn trẻ con thôn quê gắn bó cả tuổi thơ với ruộng bí rợ sau nhà. Cũng 3-4 mùa tôi theo ba má hái bí, thế mà tôi vẫn hái lộn bí còn non hoài. Ba má thương nên không đánh đòn tôi, còn mớ bí non má đem vào nhà để dành chấm với cá kho hay làm gỏi.
Người trồng sẽ để bông bí cái cho thụ phấn thành trái chín, còn bông bí đực được dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn. Bông bí vừa hái ngoài vườn còn tươi rói, ngắt bỏ nhụy, tước lớp xơ cứng xung quanh đài hoa, rửa sạch rồi luộc, thế là đã có món ngon cho bữa cơm chiều.
Ăn cơm nóng hổi với bông bí luộc cùng cá kho hay mắm kho mằn mặn bắt cơm vô cùng. Má tôi kể còn một cách luộc bông bí nữa là đợi nồi cơm vừa chắt nước lượt đầu xong thì cho bông bí vào hấp chung. Bông bí chín tới quyện với mùi gạo mới nồng nàn càng ngon hơn.
Dọc những tuyến kênh trên quê hương xứ hòn, từng xuồng chở bí chất đầy mang theo niềm vui được mùa của nông dân.
Bông bí còn có cách chế biến cầu kỳ hơn là xào với tép bạc. Tép bạc bỏ đầu, lột vỏ, còn bông bí rửa sạch để ráo nước. Khi dầu ăn vừa sôi, cho tỏi hoặc hành vào phi đến ngả vàng, tép bạc cho vào đảo đều, vừa chín tới là cho bông bí vào xào. Chỉ xào cho bông bí vừa chín tới, để lâu bông bí mềm rục ăn mất ngon. Bông bí xào tép bạc là món ăn miệt vườn gợi cho nhiều người những ký ức thân thương.
Sau vụ lúa đông xuân, nông dân quê tôi lại tất bật với mùa bí mới. Bí rợ được trồng vào cuối tháng 4 và tháng 5 âm lịch. Người dân quê tôi trồng bí dưới chân ruộng nhiều do năng suất cao hơn trồng trên bờ liếp. Từ sáng sớm, người dân ra rẫy làm cỏ, tưới nước, bỏ phân…
Sau những vất vả ấy, 1 tháng sau, dây bí rợ bắt đầu trổ bông thắm sắc vàng. Khi trưởng thành, dây bí được bao phủ bởi lớp lông cứng với những chiếc lá bí lớn, to bản, phủ lớp lông mềm như nhung. Bí rợ vươn tua vòi quấn chặt giàn leo hay bò lan trên những bờ liếp, chân ruộng luôn là hình ảnh đáng nhớ trong tâm thức của những đứa trẻ quê tôi.
Sau nhiều ngày cực công chăm sóc, vụ bí rợ đã đến thời điểm thu hoạch. Mùa thu hoạch bí rợ là mùa rẫy đông vui và đáng nhớ nhất vào thời điểm còn nhiều khó khăn khi ấy. Trên đồng trồng bí rợ, tiếng người cười nói rôm rả, tiếng hỏi nhau í ới. Dọc những tuyến kênh trên quê hương xứ hòn, từng xuồng chở bí chất đầy mang theo niềm vui được mùa. Nhờ vụ trồng bí rợ dưới chân ruộng giúp nông dân dệt lên những mùa vàng tươi thắm, tăng thu nhập cho gia đình, mang lại cuộc sống ấm no.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ ANH
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: