25/02/2022 08:30
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Đẹp nuôi tôm, trồng lúa… giúp gia đình phát triển kinh tế. Năm 2015, sau khi xuất ngũ, anh Đẹp tham gia công tác Đoàn tại ấp Cái Nước Ngọn. Trong lần đi tham quan học hỏi mô hình nuôi ốc bươu đen ở huyện bạn, anh Đẹp nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện của gia đình vì vốn đầu tư không cao, dễ nuôi, dễ tìm thức ăn, đầu ra ổn định.
Nghĩ là làm, anh đầu tư vốn mua cây tràm, bạt cao su làm bồn chứa nước 4,5m2 và mua 3.000 ốc bươu đen giống về thả nuôi, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 2 triệu đồng. Anh Đẹp chia sẻ: “Ốc bươu đen chỉ sống trong môi trường nước sạch. Với cách làm bồn này, chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn, dễ chăm sóc và thuận tiện trong việc kiểm soát nguồn nước, thay nước”.
Hơn 3 tháng, do anh Đẹp chưa nắm kỹ thuật nuôi ốc nên tỷ lệ hao hụt ốc giống ban đầu 30%. Quá trình nghiên cứu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen trên mạng và một số người nuôi trước đó, anh Danh Đẹp đúc kết kinh nghiệm nuôi và không bán lứa ốc thương phẩm đầu tiên thu hồi vốn mà tiếp tục để lại làm giống. Ốc bố mẹ được anh thả nuôi trong bồn, phủ xanh bằng cách thả bèo tai tượng. Trứng ốc được vớt ấp riêng từ 20-25 ngày thành ốc giống và được nuôi vèo riêng.
Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, anh Đẹp nhân giống ốc bươu đen thành công với tỷ lệ đạt 90%. Sau 6 tháng nuôi, anh Đẹp bán 70kg lứa ốc bươu đen thương phẩm đầu tiên với giá 60.000 đồng/kg, thu 4,2 triệu đồng. Ngoài ra, anh Đẹp còn bán ốc giống với giá 400 đồng/con cho người có nhu cầu nuôi. Anh Đẹp cho biết: “Nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, đỡ công chăm sóc, thức ăn sẵn có xung quanh như bèo, lá khoai mì, lục bình, các loại lá xanh quanh nhà…
Anh Danh Đẹp (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện.
Do ốc bươu đen ưa sống môi trường nước sạch nên để ốc khỏe, nhanh lớn, người nuôi chú ý cho ăn vừa đủ, đều, không quá nhiều bởi thức ăn thừa dễ gây ô nhiễm môi trường nước làm ốc dễ nhiễm bệnh hoặc chết. Cần vệ sinh bồn nuôi, thay nước 1-2 tuần/lần, duy trì mực nước 40-50cm, mùa nắng thả thêm bèo và phủ mát bằng lưới hoặc trồng giàn dây leo tạo bóng mát cho ốc. Ốc giống nuôi từ 4-5 tháng có thể thu hoạch”.
Khi nắm kỹ thuật nuôi ốc bươu đen và nhận thấy đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đẹp vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng mô hình. Đến nay gia đình anh Đẹp có 5 bồn nuôi ốc bươu đen cung cấp ốc thương phẩm cho thị trường và ốc giống cho hộ nuôi xung quanh, đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho gia đình. Từ hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Đẹp, nhiều hộ nông dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Qua đó mô hình nhân rộng với 6 hộ nuôi ốc bươu đen, trong đó có 2 hộ nuôi là đoàn viên, thanh niên. Đồng chí Lương Ngô Thiện Trân - Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện An Biên cho biết: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Danh Đẹp vốn đầu tư không cao, tận dụng thức ăn tại chỗ, phù hợp điều kiện kinh tế của đoàn viên, thanh niên địa phương. Mô hình không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình anh Đẹp mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương cho đoàn viên, thanh niên”.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: