21/04/2022 15:56
Nhận thấy xã Bình An còn nhiều hộ nghèo, người già neo đơn, một số hộ không có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình khó khăn, năm 2016, Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã Bình An triển khai thực hiện mô hình khéo vận động một địa chỉ nhân đạo nhằm giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Ban Chấp hành hội chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã, ban lãnh đạo các ấp rà soát, nắm hoàn cảnh từng hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, gia đình khó khăn để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng nhằm tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhà hảo tâm và nhân dân, hội phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân và nhân dân ủng hộ thực hiện mô hình.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, cá nhân và nhân dân, khi thành lập, mô hình hỗ trợ 49 địa chỉ nhân đạo, năm 2019 hỗ trợ 54 địa chỉ, đến nay nâng số địa chỉ được hỗ trợ lên 84. Mỗi địa chỉ nhân đạo được nhận 10kg gạo/tháng và nhiều phần quà hoặc tiền vào dịp lễ, tết. Đồng chí Lâm Thành Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm cán bộ phụ trách tuyên giáo xã Bình An cho biết: “Ngoài được hỗ trợ gạo hàng tháng, Hội Chữ thập đỏ phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình An vận động nhà hảo tâm tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, học sinh nghèo hiếu học vào dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới. Đối với người già neo đơn, người gặp khó khăn trong di chuyển, hội đến nhà tặng quà, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Công tác tiếp nhận, tặng quà được hội thực hiện công khai, minh bạch, tạo niềm tin với nhà tài trợ”.
Đồng chí Lâm Thành Hòa (bìa phải) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm cán bộ phụ trách tuyên giáo xã đến thăm hỏi gia đình chị Thị Lệ, ngụ ấp An Phước, xã Bình An.
Qua hơn 6 năm thực hiện, mô hình khéo vận động một địa chỉ nhân đạo mang lại ý nghĩa sâu sắc, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, giúp các đối tượng có động lực vươn lên trong cuộc sống. Chị Thị Lệ, ngụ ấp An Phước, xã Bình An chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, không có ruộng đất canh tác. Tôi làm mực cho công ty, chồng tôi làm phụ hồ, công việc không ổn định nên gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Mỗi tháng được nhận 10kg gạo và thường xuyên nhận quà, tiền hỗ trợ vào dịp lễ, tết giúp gia đình tôi bớt khó khăn trong cuộc sống, tôi vui và biết ơn các nhà hảo tâm”.
Là một trong số nhiều địa chỉ nhân đạo được nhà hảo tâm kịp thời giúp đỡ, bà Thị Sưa, ngụ ấp An Phước, xã Bình An chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, ai thuê gì làm đó, vợ chồng tôi tuổi cao lại thường xuyên đau bệnh, các con đều nghèo và ở xa. Nhờ các cấp chính quyền thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà nên vợ chồng tôi có động lực vươn lên, cố gắng sống vui, sống khỏe”.
“Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình, Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã Bình An phát huy mặt làm được, khắc phục hạn chế; tiếp tục vận động kinh phí để hỗ trợ nhiều hơn cho các địa chỉ nhân đạo; cùng lãnh đạo các ấp đi khảo sát những gia đình không phải hộ nghèo, cận nghèo nhưng khó khăn để kịp thời giúp đỡ; tiếp tục quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của mô hình, xác định đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực thể hiện tinh thần tương thân tương ái, qua đó khơi gợi, phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của địa phương”, đồng chí Lâm Thành Hòa cho biết.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: