24/02/2023 10:29
Quê tôi ở xóm nhỏ thuộc ấp Phước Đạt, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ở đây, khoai mì không chỉ được dùng trong nấu nướng mà còn là nguyên liệu làm nên những chiếc bánh phồng mì thơm ngon cho làng nghề bánh phồng quê tôi.
Nhà nội tôi có nhiều khu vườn, khoai mì được trồng gối vụ để có nguyên liệu làm bánh phồng. Tôi thường theo nội ra vườn xem nội chăm sóc khoai mì, nghe nội nói về kinh nghiệm trồng khoai nào là chọn đất, cây giống, bao lâu thu hoạch nhưng tôi vẫn thích nhất lúc nhổ khoai.
Khoai mì trồng từ 3 tháng trở lên có thể thu hoạch. Tùy điều kiện, đất, nước, mục đích sử dụng, khoai để càng lâu củ càng to nhưng nếu để quá lâu, củ quá to có thể lượng tinh bột bị giảm hoặc sượng nên khoảng thời gian lấy củ chất lượng nhất là khi trồng từ 6-9 tháng.
Cây khoai mì giòn, dễ gãy nên lớn theo từng bụi, thân này dựa vào thân kia gặp mưa gió lớn không gãy. Thân cây khoai mì dùng làm giống trồng nối vụ vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo chất lượng khoai. Ngày trước, vì vùng này đất thấp nên thường xuyên phải mua khoai từ nơi khác để làm bánh, từ khi bơm sình, tháo nước, cải thiện đất, người dân có thể tự cung tự cấp.
Thân khoai mì làm giống được chặt thành từng khúc dài bằng gang tay người lớn, chặt theo khoảng giữa của 2 mắt kế nhau, có độ xéo khi cắm xuống đất mau bén rễ. Cây giống vừa chặt xong đem đi trồng càng sớm hiệu quả càng cao vì phần nhựa trên bề mặt cây khoai nhiều, cây mau bén rễ và cho nhiều củ hơn. Vậy là, cây khoai vừa nhổ lên lại được cắm xuống đất tiếp nối cho vụ sau xanh tốt.
Sinh ra ở vùng quê này, ngày trước tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi đã lớn lên cùng hương vị của khoai mì quyện theo khói bếp củi nồng đượm trong chái bếp quê. Tuy mộc mạc, dân dã nhưng qua sự sáng tạo biến tấu của bà, của mẹ làm nên biết bao món quà quê từ củ khoai mì mang hương vị đậm đà, thơm ngọt khó quên trong ký ức tuổi thơ tôi.
Một số món ăn từ khoai mì.
Chế biến khoai mì cũng không cầu kỳ gì cả, chỉ cần đem hấp chín ăn không hoặc chấm đường ăn cũng ngon. Người lớn đi ruộng gói theo vài củ cũng có món ngon lót dạ trong buổi lao động vất vả. Cầu kỳ hơn một chút thì rút sợi chỉ chính giữa ra, quết nhuyễn khoai mì trộn với dừa nạo, đường, thêm chút muối vắt lại thành từng vắt ăn không hoặc gói rau rừng chấm nước mắm chua. Món ăn mộc mạc, đơn giản nhưng chứa đựng hồn quê, ký ức về khung trời tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên cùng hương vị ấy. Vị béo của dừa, vị ngọt thơm của khoai hòa vào nhau tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Khoai mì dễ kết hợp nhiều món ăn, nào là khoai mì quết dừa, khoai mì chiên, bánh khoai mì nướng, khoai mì sợi, nấu canh, nấu chè, nấu cà ri, nấu chao, bánh phồng mì…
Mỗi khi có dịp gia đình quây quần đông đủ, muốn ăn món cà ri là có đủ nguyên liệu không cần phải đi chợ xa. Ở quê là vậy, phần vì nuôi gà nuôi vịt, trồng cây trái quanh nhà để dành ăn, phần vì tập quán tiết kiệm và giản dị, không cầu kỳ cứng nhắc, có gì nấu nấy, nhờ vậy sức sáng tạo của người làm chủ chái bếp vô cùng phong phú. Nấu cà ri không có khoai môn thì dùng khoai mì càng thơm ngon hấp dẫn.
Mỗi người một việc làm cho không khí gia đình náo nhiệt, người làm vịt, người nạo dừa, người làm khoai. Khoai mì tách vỏ, rửa sạch mài ra thành bột, sau đó vắt ráo nước, phần nước khoai chờ lắng tinh bột dùng tinh bột trộn với phần khoai mì mài rồi vắt thành viên nấu cà ri càng dẻo, thơm ngon.
Bữa cơm của người miền quê, cây nhà lá vườn mà thật phong phú, đặc sắc với những món ăn được chế biến từ khoai mì. Mỗi món được biến tấu theo cách riêng, nêm nếm gia vị khác nhau tùy độ mặn, ngọt theo từng món nên cùng là khoai mì nhưng mỗi món đều có hương vị riêng, ăn kèm không thấy ngán.
Bột khoai mì mài đem ép mỏng, chiên lên là có thêm món ăn vặt ngon cho bọn trẻ chúng tôi, có món gì ngon chị hai cũng phần tôi. Cứ như vậy, chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và hương vị khoai mì cũng gắn bó với chúng tôi theo năm tháng ấy.
Khoai mì còn là nguyên liệu chính để người dân quê tôi làm món bánh phồng mì. Cùng với bánh phồng nếp có mặt lâu đời ở làng nghề bánh phồng quê tôi, bánh phồng mì được thực khách ưa chuộng nhờ hương vị hấp dẫn, lạ miệng và có thể ăn liền hoặc nướng đều thơm ngon. Xóm nghề quê tôi thêm nhộn nhịp, người làm nghề có thêm động lực để duy trì nghề truyền thống này. Mỗi buổi sáng, chái bếp nhà tôi lại thoảng hương thơm từ xửng khoai mì hấp, tiếng quết khoai đều đặn vang lên giữa không gian tĩnh mịch của miền quê, rộn ràng nhất là vào dịp giáp tết.
Ngày xưa, để có vỉ phơi bánh phồng, người dân dùng tàu dừa đan lá với nhau, cưa ống tre dùng để cán bánh, quết bánh bằng chày gỗ và cối đá. Ngày nay, để tăng năng suất, các công đoạn đều được cải tiến giúp người dân đỡ vất vả hơn. Việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm góp phần nâng cao giá trị bánh phồng quê tôi và góp phần lan tỏa hương khoai mì đến với du khách gần xa.
Không chỉ là món ăn quen thuộc của người miền quê mà nơi phố phường nhộn nhịp, những gánh hàng rong đầy ắp mâm khoai mì hấp, khoai mì sợi vẫn thu hút nhiều thực khách mua về thưởng thức.
Những món ngon từ khoai mì mang hương vị rất riêng, tuy chỉ là món ăn dân dã, bình dị nhưng hương vị khoai mì gắn bó với người dân miền quê tự bao đời. Từ thuở hàn vi, khoai mì là món ăn no lòng, món quà quê mộc mạc mà thơm ngon gắn bó trong đời sống thường nhật.
Hương khoai mì lại quyện trong những đôi quang gánh trên bước đường mưu sinh, quyện trong những xấp bánh phồng mì cột bằng dây lác thô sơ hay đóng gói bằng máy móc hiện đại, tất cả đều góp phần lan tỏa hương vị mộc mạc của quê hương vùng sông nước Cửu Long.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: