22/03/2022 16:17
Với thủ đoạn hack tài khoản Facebook người khác rồi mạo danh nhắn tin mượn tiền, thời gian qua, không ít đối tượng đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Gần đây, nhiều người sử dụng Facebook cho biết, các đối tượng tiếp tục sử dụng thủ đoạn tương tự để lừa tiền và có người đã bị “sập bẫy” của chúng. Ngày 11-3-2022, chị Đ.H.G, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) cho biết, chị vừa bị một đối tượng hack nick tài khoản Facebook, sau đó mạo danh chị nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi mượn tiền.
“Khi có người quen điện thoại hỏi tôi có nhắn tin mượn tiền không. Lúc đó, tôi giật mình vì không có nhắn tin với nội dung như vậy. Người này cho biết tài khoản Facebook của tôi đã gửi tin nhắn hỏi bạn ấy cho mượn tiền. Lúc này, tôi mới biết tài khoản Facebook bị hack. Ngay sau đó, tôi liền nhắn tin và điện thoại cho một số bạn bè, người thân biết sự việc”, chị G nói.
Chị G nhớ lại trước đó, có một người quen gửi đường link qua Facebook cho chị yêu cầu bình chọn siêu nhí được yêu thích nhất trên mạng xã hội cho con của người ấy. Thấy người quen, nên chị G nhấn vào tham gia bình chọn mà không biết đường link có mã độc. Từ đó, đối tượng đã lấy cắp tài khoản Facebook của chị. Xem tin nhắn trong Facebook của chị G, biết chị hay giao dịch chuyển tiền nên đối tượng gửi nhiều tin nhắn trong danh sách bạn bè hỏi mượn tiền với nội dung tin: “Chị ơi, tài khoản của em bị lỗi, nhờ chị chuyển giùm em, mai em chuyển khoản lại”.
Nhiều người quen của chị G không nghi ngờ, trong đó có một người chị bà con đã chuyển 4 triệu đồng. Một vài người khác không chuyển vì biết rằng đây là chiêu lừa đảo. Có người định chuyển, nhưng sau đó biết được sự việc nên dừng lại. “Tôi nhanh chóng lấy lại được tài khoản Facebook. Vào đọc tin nhắn trong Facebook, tôi thấy đối tượng nhắn tin cho nhiều bạn bè, người thân với thủ đoạn như nhờ bấm vào link bình chọn để lấy tài khoản Facebook hoặc gmail của mọi người”, chị G cho biết.
Ngày 15-3-2022, trên trang Facebook của chị T.H, ngụ huyện Hòn Đất đăng nội dung cảnh giác: “Facebook của chị N.T bị hack rồi cả nhà ơi. Mọi người không bình chọn các cuộc thi hay làm theo các bước mà Facebook này hướng dẫn. Chị T không yêu cầu chuyển khoản hay mượn tiền hay làm bất cứ gì”. Trước đó, ngày 11-3-2022 cũng trên trang Facebook cá nhân, chị H chia sẻ câu chuyện chị ấy và nhiều anh, chị khác nhận được tin nhắn nhờ nhấn vào link bình chọn cho con, em tham dự một cuộc thi. Nhiều người đã bấm vào link và bị hack Facebook, sau đó xuất hiện tin nhắn mượn tiền, yêu cầu chuyển khoản.
Nội dung tin nhắn mà đối tượng mạo danh chị Đ.H.G nhắn tin hỏi mượn tiền người thân bạn bè, sau khi lấy cắp tài khoản Facebook.
Ngoài Facebook Messenger, hiện nay, nhiều người Việt Nam còn sử dụng Zalo để nhắn tin với bạn bè, người thân. Vì vậy, Zalo cũng là mục tiêu bị các đối tượng nhắm tới để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Khi nhắn tin mượn tiền, các đối tượng lừa đảo thường giải thích lý do có việc gấp cần tiền ngay hoặc tài khoản ngân hàng bị lỗi không chuyển tiền được nên cần chuyển giúp. Để tạo niềm tin, các đối tượng hứa sẽ trả trong thời gian ngắn.
Cách đây 3 tuần, tôi có nhận được tin nhắn qua Zalo của một người từng liên hệ công tác với nội dung: “Em nhờ chị giúp một việc. Chị còn tiền không cho em mượn một ít, vì em đang kẹt tiền quá!”. Vốn cảnh giác với những chiêu trò mạo danh người khác để mượn tiền, trước tiên tôi thử kiểm chứng bằng cách nhắn tin lại với nội dung: “Bạn là ai?”. Người này lập tức trả lời rõ ràng chính xác tên, công việc hiện tại và hứa sau khi tôi cho mượn tiền sẽ trả trong một tuần. Song, tôi vẫn thấy bất thường, vì cách đây 2 năm, tôi và chủ tài khoản Zalo này chỉ liên hệ công việc hai lần, đến nay không liên lạc nữa, mối quan hệ không thân thiết. Tôi liền điện thoại lại Zalo này để xác nhận thì không thấy trả lời. Sau đó, tôi điện lại số điện thoại của một người làm cùng đơn vị với chủ tài khoản Zalo thì mới biết chủ tài khoản Zalo ấy vừa mất điện thoại và bị lấy cắp luôn tài khoản Zalo. Việc nhắn tin mượn tiền là giả mạo. Trong sự việc này, nhờ cảnh giác nên tôi đã không bị lừa. Nếu không kiểm chứng lại mà vội chuyển tiền thì đã “sập bẫy”.
Thời gian qua, thủ đoạn hack Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin để mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền được Công an các địa phương cảnh báo nhiều lần. Các đối tượng tạo ra các website giả mạo có dạng: Bình chọn siêu nhí, giọng hát Việt nhí, bình chọn hoa khôi… có chứa các ô nhập thông tin tài khoản Facebook rồi nhắn tin gửi đường link trang web này có chứa mã độc đến các tài khoản Facebook. Khi có người bấm vào đường link chứa mã độc, đối tượng xấu dễ dàng đánh cắp mật khẩu, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội. Sau khi chiếm đoạt tài khoản Facebook hoặc Zalo, chúng xem kỹ lịch sử giao dịch, tin nhắn trao đổi giữa bạn bè hoặc người thân với chủ tài khoản, từ đó chọn lựa tài khoản để dàn dựng kịch bản lừa đảo nhờ chuyển tiền hoặc mượn tiền.
Để tránh bị lừa đảo, người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo cần đề cao cảnh giác trước những tin nhắn hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bất cứ người nào trong danh sách kết bạn. Không nên chuyển tiền khi chưa biết rõ đó có phải là người thân của mình không. Khi nhận được những tin nhắn hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền, mọi người cần trực tiếp gọi vào số điện thoại của người nhắn tin để xác nhận lại trước khi chuyển tiền.
Bài và ảnh: HIỀN MINH
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: