28/02/2023 14:50
Em P.T.Y.N, ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) năm nay 18 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên N muốn vay tiền để học trang điểm và phụ giúp cha mẹ chi phí sinh hoạt. Thấy một link (đường dẫn) thông báo về việc cho vay tiền qua ứng dụng với lời mời chào hấp dẫn như “giải ngân trong ngày”, “thủ tục nhanh gọn” nên N đã nhấn vào link để liên hệ.
Sau khi truy cập vào đường dẫn đó, có một người đàn ông tự xưng là nhân viên của công ty tài chính và muốn kết bạn Zalo với N để làm hồ sơ vay vốn. Hồ sơ chỉ gồm thông tin cá nhân của N và số tài khoản ngân hàng, không cần thêm thủ tục khác.
"Khi đã gửi đầy đủ thông tin, người đàn ông đó nói tôi cần nộp tiền làm phí bảo hiểm cho khoản vay 30 triệu đồng. Tôi đã chuyển khoản 3 lần, lần 1 là 500.000 đồng, lần 2 là 2,5 triệu đồng và lần cuối 4 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi hoàn tất chuyển khoản thì người này chặn tôi trên Zalo và mọi nền tảng khác. Đến giờ tôi mới biết mình bị lừa”, N nói.
Những lời mời chào hấp dẫn xuất hiện nhiều trên Facebook khiến nhiều người rơi vào “bẫy” lừa đảo.
Chị N.T.B.T, ngụ huyện Kiên Lương (Kiên Giang) vướng phải một chiêu trò lừa đảo mới khi vay tiền qua ứng dụng. Chị T thấy một bài đăng trên Facebook thông báo cho vay tiền qua ứng dụng, vì cần tiền đóng viện phí cho cha nên chị T đã liên hệ với số điện thoại trong bài đăng.
Chị T cho biết chị gặp được một cô gái tên Phương và kết bạn qua Zalo để làm hồ sơ vay vốn. Sau khi hỏi vài thông tin thì Phương giới thiệu cho chị một người khác tên Phong để tư vấn về vay vốn.
"Phong yêu cầu tôi gửi ảnh chân dung, ảnh căn cước công dân kèm theo số tài khoản, sau khi hoàn tất đợi 30 phút sẽ nhận được 45 triệu đồng. Tôi đợi cả ngày nhưng không nhận được tiền nên gọi Phong để hỏi. Phong thông báo tôi điền sai số tài khoản và khoản vay bị đóng băng, vì vậy tôi cần chuyển khoản cho Phong 15 triệu đồng phí bảo lãnh. Phong cam đoan sau khi công ty xác minh xong sẽ chuyển trả lại tôi 15 triệu đồng cùng số tiền 45 triệu đồng theo hồ sơ vay vốn”, chị T cho biết.
Vì không đủ tiền chuyển khoản nên chị T muốn hủy hồ sơ vay tiền, Phong cho biết hồ sơ vay vốn thất bại là lỗi của chị T nên dù không nhận được tiền vẫn phải đóng tiền lãi hàng tháng. Phong còn hăm dọa hiện công ty tài chính của Phong đang làm thủ tục kiện chị vì lừa đảo. Chị T rất lo sợ, sau đó liên hệ với công ty này cùng công an ở địa phương để hỏi và được biết đây chỉ là chiêu trò của bọn lừa đảo.
Rất nhiều nhóm vay tiền online qua ứng dụng được lập trên Facebook với số lượng thành viên khủng.
Không chỉ dừng lại ở việc bị lừa tiền, nhiều người còn bị một số đối tượng xấu bán thông tin cá nhân cho các tổ chức tín dụng đen hoặc phát tán hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội.
Anh P.L.V, ngụ đường Mạc Cửu, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) từng bị lộ thông tin cá nhân khi đăng ký vay tiền qua một ứng dụng. Sau đó các đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân của anh V để đăng ký, truy cập vào những trang web đen, các ứng dụng bị cấm nên cuộc sống của anh V và gia đình bị ảnh hưởng nhiều.
Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, nhất là trên không gian mạng. Để tránh bị lừa đảo, người dân nên nâng cao cảnh giác và thận trọng trước những lời mời chào hấp dẫn từ các đối tượng cho vay tiền online. Các công ty tài chính sẽ không hỗ trợ người dưới 20 tuổi làm hồ sơ vay vốn, vì thế các học sinh, sinh viên cần lưu ý để không bị “sập bẫy”.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: