29/04/2022 11:10
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 16 tuổi, ông Đặng Văn Khiêm, ngụ khu phố Phước Thới, thị trấn Gò Quao tham gia kháng chiến ở địa phương. Hòa bình, ông Khiêm công tác trong lĩnh vực thuế. Đến năm 2005, ông được bầu làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu phố Phước Thới 3 nhiệm kỳ, sau đó là hội viên Hội Cựu chiến binh khu phố Phước Thới.
Nhìn ngôi nhà khang trang, đủ tiện nghi, ít ai biết ông Khiêm trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để có được cơ ngơi như hôm nay. Ông Khiêm kể: “Trước đây, đất cằn nên tôi làm lúa năng suất thấp, trong khi 9 đứa con lần lượt ra đời rồi thường xuyên đau ốm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Tôi đầu tư chuồng trại nuôi heo thịt nhưng không được bao lâu đàn heo chết do dịch tả heo châu Phi, gia đình lâm cảnh nợ nần. Không nản chí trước khó khăn, tôi vừa đi làm thuê vừa học kinh nghiệm nuôi trồng ở nhiều nơi để thoát nghèo.”
Ông Đặng Văn Khiêm (bên trái) giới thiệu mô hình nuôi heo rừng.
Năm 2017, ông Khiêm nuôi heo rừng kết hợp trồng dừa lùn, tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như lá khoai, chuối cây, lục bình, hèm rượu làm thức ăn cho heo. Bắt đầu với 4 con heo rừng giống, sau một thời gian chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, bán được giá, ông Khiêm nhân rộng mô hình. Nhờ sự cần cù, chịu khó, mỗi năm ông thu nhập hơn 70 triệu đồng từ nuôi heo. Đồng chí Lê Minh Thừa - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Gò Quao cho biết: “Heo rừng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, có sức đề kháng tốt, vốn đầu tư thấp, giá ổn định nên mô hình của ông Khiêm mang hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được nhân rộng tại địa phương”.
Là lính thông tin tham gia kháng chiến với nhiều thành tích tiêu biểu, trở về cuộc sống đời thường, ông Ngô Thanh Tâm, ngụ ấp An Trung, xã Định An trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Tâm chia sẻ: “Tôi xuất ngũ với hai bàn tay trắng, gia đình không có ruộng đất nên cuộc sống khó khăn. Tôi làm thuê tích lũy tiền mua đất và nuôi con ăn học.
Sau một thời gian, tôi mở cửa hàng kinh doanh điện thoại, thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Năm 2014, với mong muốn tạo hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế của gia đình, tôi xây dựng mô hình chăn nuôi dê khép kín và trồng cây ăn trái. Tôi tìm hiểu tài liệu hướng dẫn về chăn nuôi, học hỏi kỹ thuật làm chuồng trại, sau đó đầu tư 20 triệu đồng mua 5 cặp con giống về nuôi. Đến năm thứ 3 thì đàn dê tăng 50 con, mỗi năm tôi bán khoảng 300kg dê thịt và 15 con dê giống”.
Ông Ngô Thanh Tâm, ngụ ấp An Trung, xã Định An là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trong ảnh: Ông Tâm cho dê ăn.
Ngoài ra, ông Tâm còn tận dụng đất vườn trồng bưởi, mãng cầu, mít kết hợp nuôi gà thả vườn. Từ nguồn phân dê sẵn có ông đem ủ để bón cho cây trồng và nuôi trùn quế cho gà ăn. Mô hình tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẵn mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đồng chí Lý Thanh Vũ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định An cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế của đồng chí Tâm là một trong số những mô hình hay của xã được duy trì tốt và hiệu quả. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn để sản xuất; tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Dù ở thời bình hay thời chiến, những cựu chiến binh vẫn sáng ngời phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vững vàng trên mọi mặt trận, tiên phong, gương mẫu cùng Đảng, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương phát triển.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: