09/03/2023 16:50
Chị Huỳnh Thị Mỹ Nhân - con dâu bà Lê Thị Ngọc, thế hệ thứ ba của quán cháo quảng Kim Phượng tự tay nấu tô cháo quảng cho khách.
Bà Lê Thị Ngọc - chủ quán cháo quảng Kim Phượng, người kế nghiệp cha chồng nấu cháo quảng từ khi tuổi còn đôi mươi, kể lại: “Món cháo này do ông cố chồng tôi truyền lại cho cha chồng tôi khi còn ở Quảng Châu (Trung Quốc). Sau đó, cha chồng tôi đến Rạch Giá mở quán bán cháo quảng tính đến nay đã hơn 80 năm”.
Theo bà Ngọc, bí quyết là chỉ để gạo nở khoảng 80% rồi để cháo sôi trên lửa nhỏ, lúc khách gọi mới nấu riêng từng tô. Tùy theo món mà quán sẽ cho thịt bằm, tim, gan, cật... vào 1 xoong nhỏ nấu sôi cùng một ít cháo trắng, khuấy đều đến khi chín rồi mới múc ra tô. Cách nấu rất riêng của quán Kim Phượng đã tạo nên một hương vị đặc trưng mà ít món cháo nào ở Rạch Giá có được.
Ăn cháo quảng ở quán Kim Phượng phải nhắc đến giò cháo quẩy ăn kèm ít gừng xắt sợi, đầu hành lá, rồi rắc lên một chút tiêu. Cháo quảng nóng ăn kèm cháo quẩy vừa ăn vừa hít hà vị the của gừng tiêu, vị cay nhẹ thơm nồng của ớt, ăn một lần là nhớ mãi.
Quán cháo quảng Kim Phượng mở bán từ 5 giờ sáng đến hơn 12 giờ khuya, bán liên tục kể cả những ngày tết. Chỉ bán duy nhất món cháo quảng nhưng sở dĩ quán duy trì nhiều năm qua bởi chủ quán luôn chăm chút từng tô cháo và sử dụng nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm .
Theo lời kể của bà Lê Thị Ngọc, từ năm 1937, ông Tiêu Líu Bình, cha chồng bà Ngọc khởi nghiệp với một xe cháo nhỏ bán ở lề đường tại Rạch Giá.
Tô cháo quảng tại quán Kim Phượng.
Sau năm 1975, cha chồng truyền nghề nấu cháo quảng cho vợ chồng bà kế nghiệp, cũng với xe cháo quảng bán ở góc đường Trần Phú, cạnh rạp hát Châu Văn cũ. Những ngày dầm mưa dãi nắng với xe cháo quảng, vợ chồng bà Ngọc nếm trải không ít vất vả, cơ cực.
Năm 1990, vợ chồng bà Ngọc trúng độc đắc 5 tờ vé số và mua căn nhà số 59 đường Trần Hưng Đạo và mở quán cháo quảng Kim Phượng đến nay. Việc mua bán thuận lợi nhờ gia đình họ Tiêu vẫn giữ nguyên chất lượng đặc trưng của cháo quảng dù thời gian đã khá lâu.
Hiện nay, quán cháo quảng Kim Phượng đã giao cho con trai bà Ngọc tiếp quản, nhưng khách tới quán ăn cháo vẫn gặp vợ chồng bà Ngọc luân phiên ngồi ở một góc quán. “Ngồi đó để trông chừng con cháu làm ăn, như một thói quen cho đỡ buồn và để thăm hỏi khách hàng cũ, đảm bảo thương hiệu cho quán cháo Quảng của gia đình”, bà Ngọc cho biết.
Cùng với sự phát triển của TP. Rạch Giá, nhiều quán ăn, nhà hàng mở ra, nhưng tiệm cháo quảng Kim Phượng vẫn rất đông khách. Bà Ngọc kể, từng có Việt kiều Mỹ và một vài cá nhân đến ngỏ ý muốn mua “công thức nấu cháo quảng” nhưng bà nhất quyết không chịu.
“Tôi còn con cháu, bán bí quyết nấu món cháo gia truyền cũng là bán nồi cơm của con cháu mình. Dù cuộc sống có thế nào, gia đình vẫn quyết giữ lấy nghề mà cha ông để lại”, bà Ngọc khẳng định.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Mắm lụa được xem là một trong những món ăn đặc sản độc đáo, ngon, lạ miệng của người dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Món ăn dân dã nhưng khi thưởng thức sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tổng số lượt truy cập: