09/04/2024 09:36
Trên mâm cỗ ngày tết của đồng bào Khmer không thể thiếu những món ăn đặc trưng như bún nước lèo, bánh cống và bún sim lo. Mỗi món ăn mang hương vị riêng, thể hiện sự tinh tế trong cách chế biến và chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Bún nước lèo được đồng bào Khmer ăn dịp tết cổ truyền, là sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của nước hầm xương, vị chua của chanh, vị cay nồng của ớt và nhất là mùi thơm của sả và mắm bò hóc..., tất cả tạo nên hương vị đậm đà, khó quên. Theo chị Thị Tâm, ngụ xã Định An (Gò Quao), nấu bún nước lèo phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu và dành nhiều thời gian chế biến. Nước dùng được ninh từ xương heo và cá lóc nướng trong nhiều giờ để có vị ngọt thanh. Bún nước lèo có nguyên liệu chính là mắm cá linh, mắm cá sặc.
“Bún nước lèo phải nấu với cá lóc to vì thịt cá dai, ít xương hơn. Tôi nấu cá lóc với nước lèo đến khi cá chín, vớt ra để gỡ thịt, tách xương cá. Để nước lèo thơm, bên cạnh gia vị, tôi cho ngải bún, củ nghệ, sả nấu chung. Khi nước lèo sôi, tôi hớt bọt kỹ để nồi nước lèo trong và ngon”, chị Thị Tâm nói.
Bánh cống được đồng bào Khmer ưa thích và thường được ăn trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Bún nước lèo ăn kèm với các loại rau sống như bông súng, bắp chuối bào, rau muống bào, giá, hẹ, rau húng quế. Khi ăn chan nước dùng vào tô, cho thịt heo, rau sống, ớt, chanh, nước mắm và thưởng thức. Bún nước lèo ngon hơn khi ăn với thịt heo quay, bánh cống, chả giò. “Tôi mong đến ngày tết cổ truyền để được ăn món bún nước lèo do mẹ nấu. Tô bún có màu xanh của rau, màu vàng của nghệ, màu trắng của bún, cá, màu đỏ của ớt rất thơm ngon. Món bún nước lèo là một phần ký ức tuổi thơ của tôi”, anh Danh Hoài Thanh, ngụ xã Minh Hòa (Châu Thành) cho biết.
Bánh cống được đồng bào Khmer ưa thích và thường được chế biến trong dịp lễ hội quan trọng, nhất là dịp tết Chôl Chnăm Thmây. Bánh được làm từ bột gạo, nước cốt dừa, đậu xanh, tôm và thịt heo. Bánh có hình trụ, màu vàng ươm, khi ăn giòn rụm, béo ngậy và thơm ngon. Để làm bánh cống, các bà, các mẹ xay nhuyễn đậu xanh, tôm và thịt heo. Sau đó trộn đều các nguyên liệu với bột gạo và nước cốt dừa để tạo thành hỗn hợp sệt. Hỗn hợp này được múc vào khuôn và chiên vàng trên chảo dầu. Bánh cống ăn kèm nước mắm chua ngọt và rau sống.
Bún sim lo là món ăn hấp dẫn của đồng bào Khmer.
Bún sim lo là món ăn hấp dẫn của đồng bào Khmer. Với hơn 10 năm nấu và bán bún sim lo, chị Nguyễn Thị Năng - chủ quán ăn Năng Nguyễn, đường Mạc Tử Hoàng, phường Đông Hồ (TP. Hà Tiên) cho biết: “Bún sim lo được làm từ bún tươi. Cá nhồng biển luộc xong tôi tách lấy thịt, một phần dùng chày dằm cá nhuyễn và đánh cho thịt cá bông lên. Tôi nấu nước dùng bằng nước dừa tươi để có vị ngọt thanh ăn cùng bông súng, giá, rau muống bào. Món bún này mang ý nghĩa cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng”, chị Nguyễn Thị Năng chia sẻ.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là dịp để đồng bào Khmer quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống. Những món ăn như bún nước lèo, bánh cống, bún sim lo không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn mang ý nghĩa về văn hóa và ước nguyện của đồng bào Khmer về năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Bài và ảnh: THIỆN HIẾU
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: