27/06/2022 11:23
Chị Huỳnh Thị Phụng - chủ quán bánh canh Phụng cho biết, quán có từ lâu đời và được truyền qua ba thế hệ từ bà ngoại đến mẹ chị và hiện được chị Phụng tiếp tục kinh doanh. “Ngày trước quán không có tên, chỉ để tên quán bánh canh, đến đời tôi xuất hiện nhiều quán bánh canh chả cá thu nên tôi lấy tên quán là bánh canh Phụng từ năm 2012 đến nay”, chị Phụng chia sẻ.
Quán bánh canh Phụng mở cửa từ 5-11 giờ, giá 40.000-50.000 đồng/tô. Quán có không gian nhỏ nhưng rất đông khách, phục vụ từ 500-600 lượt khách mỗi ngày. Giờ cao điểm có khi khách phải đợi khoảng 15-20 phút mới thưởng thức được tô bánh canh nóng hổi.
Quán đông nhưng hầu như toàn mấy người trung niên phục vụ. “Quán không thuê người ngoài, toàn anh em trong gia đình cùng nhau làm, cùng nhau phục vụ”, anh Huỳnh Văn Hoàng - anh của chị Phụng cho biết.
Trên biển quảng cáo của quán có ghi dòng chữ “không chi nhánh”. Lý giải điều này, chị Phụng chia sẻ: “Quán toàn người trong gia đình làm, bán ở đây không xuể nên chúng tôi không mở chi nhánh. Biển quảng cáo ghi vậy để khách du lịch không nhầm quán này với quán khác và tránh trường hợp người khác có ý định nhái tên quán”.
Quán bánh canh Phụng tồn tại ba thế hệ nên khách ở quán cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Ngày còn nhỏ, tôi được mẹ dẫn đi ăn bánh canh Phụng, bây giờ lớn lập gia đình, tôi vẫn hay dẫn vợ con ghé quán ăn”, anh Trần Thế Thanh, ngụ phường Dương Đông (TP. Phú Quốc) nói.
Tô bánh canh Phụng được bài trí hấp dẫn.
Bánh canh chả cá thu nổi tiếng là món ngon phải ăn khi đến TP. Phú Quốc. Cá thu được chọn là nguyên liệu chính trong món bánh canh vì thịt tươi ngon, không tanh, phụ nữ mang thai hay trẻ nhỏ đều ăn được. Tô bánh canh Phụng gồm thịt cá thu luộc, chả cá thu chiên, chả cá thu vo viên, thịt heo, huyết heo và được ăn cùng với sợi bánh canh bột lọc. Điều làm nên thương hiệu bánh canh Phụng là mọi thứ trong tô bánh canh đều do nhà làm.
Cá thu được chị Phụng chọn kỹ, thu mua tươi tại ghe và là loại từ 5kg trở lên, khi đó thịt cá thu luộc tách ra sẽ thành khối to và không bị bể. Đầu cá thu được tận dụng để nấu nước dùng nên rất thanh và có vị ngọt tự nhiên. Ngoài cá thu, sợi bánh canh bột lọc mềm, dai được làm thủ công cũng là điểm cộng tạo nên hương vị riêng của quán.
Để có thể làm hết tất cả các công đoạn, quán phải đóng cửa từ 11 giờ, không mở bán buổi chiều, dành buổi chiều để chuẩn bị nguyên liệu. Chị Phụng cho biết: “Mỗi người một việc, người cán bột, người sơ chế cá thu, người làm chả cá… cứ thế đến chiều tối, chúng tôi mới xong khâu chuẩn bị”.
Ai đã thưởng thức qua món bánh canh ở quán đều khen ngon. “Lần đầu tiên tôi ăn bánh canh mà có nhiều loại nguyên liệu từ cá. Nếu có dịp đi du lịch ở Phú Quốc, tôi sẽ lại đến ăn bánh canh Phụng”, anh Phạm Việt Anh - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Bài và ảnh: HỒNG THỦY
(KGO) - Mắm lụa được xem là một trong những món ăn đặc sản độc đáo, ngon, lạ miệng của người dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Món ăn dân dã nhưng khi thưởng thức sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tổng số lượt truy cập: