08/09/2023 16:36
Mỗi dịp hè về là lúc trời mưa, đồng ruộng, cỏ cây xanh mướt, tốt tươi, khi đó chúng tôi thường rủ nhau đi đào trùng cắm câu. Rong ruổi khắp nơi chơi đùa, mò cua bắt cá vui biết mấy. Chúng tôi bắt được mớ cá trê vàng đem về cho nội làm mắm bò hóc. Khác với các loại mắm khác ủ ngay khi muối, mắm bò hóc được làm từ cá trê tươi sống, làm sạch, ướp muối phơi ráo thịt rồi đem ủ.
Đối với đồng bào Khmer quê tôi, mắm không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn là gia vị gắn với nhiều món ăn trong những bữa cơm gia đình hay khi có đám tiệc. Ngoài món bún cà chơi còn có món sim lo đậm đà, khó quên.
Mùa mưa, vạn vật sinh sôi cũng là lúc những rặng dừa nước quê tôi trổ bông, kết trái. Người dân quê tôi thường đi tìm bông dừa nước về để nấu sim lo. Mỗi dịp gia đình sum họp, con cháu đoàn tụ, ông bà tôi thường làm món đặc trưng của dân tộc mình. Có lẽ không chỉ vì hương vị đậm đà, thơm ngon của sim lo mà ông tôi còn mong hương vị đặc trưng của dân tộc mình không bị lãng quên.
Những người phụ nữ Khmer ở miền quê nấu nồi sim lo bông dừa nước và thịt vịt.
Nhà tôi đông người nên mỗi người một việc làm cho không khí gia đình rộn ràng hơn. Mỗi lần nấu sim lo, chúng tôi ra mương bắt vịt. Trẻ con vui đùa là chính không biết bắt làm mấy con vịt chạy tán loạn rồi cả đám mình mẩy lấm lem phóng xuống con kênh nhỏ bên nhà tắm mà quên bắt vịt, nhưng chúng tôi không phải lo vì việc này đã có anh hai làm, anh hai bắt vịt giỏi nhất.
Trong lúc chúng tôi chơi đùa ngoài bờ kênh thì trong chái bếp, các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu sim lo. Bông dừa nước lựa cái non, vừa bung bẹ đầu tiên là ngon nhất, không đủ thì có thể dùng bông già hơn, tước bỏ phần vỏ già bên ngoài, sau đó bào mỏng, ngâm, vớt ra rửa lại rồi trụng qua nước sôi cho hết chát.
Sim lo là một trong những món ăn đặc trưng của người Khmer, được nấu như một loại canh trong bữa cơm ngày thường hoặc dùng để đãi khách. Tùy nguyên liệu và sở thích của người dùng mà nồi sim lo có tên gọi khác nhau như nấu với bầu gọi là sim lo bầu, nấu với măng là sim lo măng; tương tự có sim lo mít, sim lo thốt nốt, sim lo cá...
Tùy sở thích, khẩu vị của từng vùng và mang đặc tính chung của người dân Nam bộ, người Khmer cũng biến tấu món sim lo theo cách có gì nấu đó. Có nơi dùng ít cơm mẻ với đầu khô cá rún hoặc cá thiều, khô ốp và bắp chuối xắt dọc. Nhờ vậy nước canh thơm thanh, ngọt đậm, có vị béo của mỡ cá thiều, cá rún hay cá đuối, hòa quyện với nhựa bắp chuối. Tuy có nhiều loại sim lo nhưng ngon và đặc sắc nhất phải kể đến nồi sim lo thập cẩm. Sim lo thập cẩm được nấu từ các loại rau tập tàng cùng một ít xương khô, đầu cá.
Ở quê tôi, người dân thường nấu sim lo bông dừa nước và thịt vịt. Thịt vịt làm ngọt nước, để thêm sả, ớt bằm cho dậy mùi thơm, nêm mắm bò hóc, nếu không có mắm bò hóc có thể nêm mắm rô, mắm sặc hay mắm ruốc đều được. Vị mặn, ngọt của mắm, vị chua của thính và các gia vị hòa quyện cùng vị bùi của bông dừa nước, vị ngọt béo của thịt vịt tạo nên món sim lo đậm đà và hấp dẫn, ăn rồi là nhớ mãi không thôi. Trẻ con quê tôi từ nhỏ quen với mùi vị đậm đà của mắm, vị ngọt bùi của món sim lo nên đứa nào cũng thích ăn.
Nghỉ hè, chúng tôi được ông dạy cho chữ Khmer để biết đọc, biết viết không quên tiếng của dân tộc mình. Tiếng trẻ con đọc bài rôm rả xua tan sự yên ắng của ngày hè. Sau giờ học, chúng tôi rủ nhau đi mò cua bắt cá, tắm sông, đùa nghịch. Chơi đùa thỏa thích chúng tôi đi kiếm vài buồng dừa nước chẻ ăn. Cơm dừa nước ngọt thanh, mát lành cho chúng tôi những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ nơi miền quê.
Hương vị của tuổi thơ quyện trong những buổi vui đùa, quyện trong những món ăn dân dã nơi quê nhà luôn đọng lại trong ký ức của bao người. Món sim lo không chỉ độc đáo, thơm ngon mà còn là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người dân Khmer quê tôi, vẫn luôn được giữ gìn và truyền cho nhau cách nấu để hương vị ấy còn tỏa hương trong chái bếp quê của quê mình.
“Xa em nhớ vị sim lo,
Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo!”
Câu ca xưa vừa thắm đượm tình quê vừa mang theo hương vị của món canh sim lo, bình dị mà đậm đà khiến người xa quê luôn nhớ về.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Hội thi ẩm thực đặc sản Kiên Giang thu hút 20 đội đến các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có 6 đội thi ở các huyện Tân Hiệp, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: