16/02/2024 14:55
Từ cổng chào ấp Xẻo Dinh vào khoảng 1km sẽ thấy bầu không khí làm bánh tét nhộn nhịp. Trước sân các hộ làm bánh, củi được chất thành đống cao, lá chuối, dây lát được sắp xếp ngay ngắn và các lò bánh đỏ lửa, khói nghi ngút. Nếu đi ngang xóm bánh tét Xẻo Dinh lúc những đòn bánh gần chín, chuẩn bị được vớt ra khỏi nồi, mọi người sẽ ngửi được mùi thơm thoang thoảng của lá chuối và nếp.
Theo người dân nơi đây, truyền thống gói bánh tét dịp lễ, tết, đám tiệc của xóm có từ lâu, còn nghề gói bánh tét bán của xóm được hình thành khoảng 8 năm và được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tây Yên, huyện An Biên xây dựng thành tổ hợp tác làm bánh tét ấp Xẻo Dinh.
Bà Nguyễn Thị Hoa (bên trái) sắp xếp bánh tét chuẩn bị cho vào nồi nấu.
Theo chị Nguyễn Hồng Vân - tổ trưởng tổ hợp tác làm bánh tét Xẻo Dinh, ngày nay, nhiều người vì tiện lợi và tiết kiệm thời gian nên chọn mua đậu tẩy vỏ, gói bánh bằng dây nylon hay cho thêm nguyên liệu vào nồi nấu để bánh nhanh chín, vì thế hương vị của bánh cũng thay đổi. Không chạy theo cách làm mới, những hộ dân làm bánh tét ở ấp Xẻo Dinh vẫn giữ cách làm lâu nay của ông bà, chăm chút cho từng công đoạn, từng đòn bánh.
Bánh tét Xẻo Dinh được làm từ loại nếp dẻo ngon, đậu xanh còn vỏ, hạt to, đều, nước cốt dừa đậm đặc, thịt mỡ dày, chuối xiêm chín muồi. Bánh được gói bằng lá chuối, dây lát, gói đều tay, không quá lỏng cũng không quá chặt. Bánh được nấu chín trong 8 tiếng.
Ban đầu, bánh tét Xẻo Dinh được đặt gói vào dịp lễ, tết, đám tiệc. Sau này, được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ cao hơn, nhiều hộ theo nghề làm bánh tét bán hàng ngày để phát triển kinh tế gia đình. Có 7 năm gắn bó với nghề làm bánh tét bán, bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp Xẻo Dinh cho biết trước đây bà làm nghề nail nhưng thu nhập bấp bênh nên học hỏi những người lớn tuổi trong xóm làm bánh tét bán.
"Bánh tét tôi làm giữ nguyên công thức, cách làm của các bà, các cụ ngày xưa. Để có được những mẻ bánh thơm ngon, tôi chuẩn bị nguyên liệu từ sáng hôm trước, từ khâu chuẩn bị lá chuối, dây lát, nạo dừa đến ngâm nếp, đãi đậu… Hiện lò bánh của tôi thuê thêm hai người gói bánh thường xuyên. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, tôi thu nhập hơn 15 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Bánh tét Xẻo Dinh được nấu chín trong 8 tiếng.
Bánh tét Xẻo Dinh vẫn giữ nguyên ba loại nhân truyền thống là nhân đậu, nhân chuối và nhân ngọt. Bánh thơm ngon, đậm đà nên được nhiều người mua. Hiện bánh tét không chỉ bán cho người dân trên địa bàn huyện mà còn bán cho khách ở TP. Rạch Giá, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai… Ngày thường mỗi hộ làm bánh bán khoảng 70 đòn với giá từ 30.000-40.000 đồng/đòn, ngày tết tăng 300-400 đòn nhưng giá không đổi.
Chị Châu Bích Di, ngụ xã Tây Yên chia sẻ: “Tôi thích ăn bánh tét Xẻo Dinh vì bánh dẻo, ngon, có hương vị giống ngày xưa ngoại tôi làm. Không chỉ mua bánh dịp lễ, tết, đám tiệc mà tôi còn mua để tặng bạn, người thân”.
Nhìn cách những người thợ gói bánh ở ấp Xẻo Dinh khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút cho từng đòn bánh mới thấy được tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống của họ. Để cách làm bánh tét truyền thống không mai một, những người thợ sẵn sàng truyền nghề cho con cháu và những ai muốn học nghề bởi họ nghĩ đây không chỉ là nghề để phát triển kinh tế mà còn là một truyền thống tốt đẹp của ông bà.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Mắm lụa được xem là một trong những món ăn đặc sản độc đáo, ngon, lạ miệng của người dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Món ăn dân dã nhưng khi thưởng thức sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tổng số lượt truy cập: