29/03/2024 10:27
CƠ CHẾ ĐẶC THÙ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng trải qua gần 20 năm, Phú Quốc có những bước tiến vượt bậc. Phú Quốc là “thỏi nam châm” có sức hút đầu tư cực mạnh, đóng vai trò là trụ cột tăng trưởng của toàn tỉnh trong hàng chục năm gần đây. Từ huyện đảo gần như thuần nông với đô thị cấp thị trấn (đô thị loại 5), Phú Quốc tiến thẳng lên đô thị loại II. Nhờ vị thế đặc biệt và sự phát triển vượt bậc, chỉ sau 6 năm, đến tháng 12-2020, Phú Quốc được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh - thành phố đảo đầu tiên của cả nước.
Trong giai đoạn tới, để phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế khác biệt, to lớn của TP. Phú Quốc cần tạo điều kiện để TP. Phú Quốc nhanh chóng khẳng định tư cách một thế lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế hàng đầu của nền kinh tế, coi đây là sứ mệnh quốc gia, là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên của cả nước và của vùng đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải là nhiệm vụ đặc thù, riêng biệt của Kiên Giang, chủ yếu phục vụ lợi ích phát triển cục bộ của thành phố.
TP. Phú Quốc đẩy mạnh cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế, nhanh chóng vươn lên đẳng cấp phát triển hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thế mạnh, trước hết và chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới. Phương thức chủ yếu để tạo Phú Quốc năng lực đó là bảo đảm cho thành phố có cơ chế phát triển đặc thù, được phép áp dụng các hình thức thể chế vượt trội, thí điểm một số chính sách mới có tác dụng tạo động lực phát triển, phù hợp với xu thế thời đại và điều kiện phát triển của thành phố.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÊM
Ông Hoàng Minh Vỷ - Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền Nam cho rằng: “Cùng thiên nhiên biển, đảo tươi đẹp và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm du lịch mới ấn tượng, chúng tôi kỳ vọng Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến 24/7, hấp dẫn cả ngày lẫn đêm để thu hút hàng triệu lượt du khách quanh năm, nhất là du khách quốc tế”.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng lượng du khách mạnh mẽ so năm 2023, ông Vỷ kỳ vọng hạ tầng giao thông TP. Phú Quốc, nhất là hạ tầng kết nối bằng đường hàng không, đường biển sẽ tiếp tục được nâng cấp và mở rộng để tạo điều kiện cho du khách trong nước, quốc tế tiếp cận TP. Phú Quốc thuận lợi với chi phí hợp lý nhất. Du khách đến TP. Phú Quốc sẽ không phải thất vọng với những trải nghiệm mới lạ, độc đáo tại đây.
Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc.
Hiện có thuật ngữ artcation - du lịch kết hợp thưởng thức nghệ thuật, là một trào lưu thời thượng phổ biến trên thế giới. Đó là khi du khách không chỉ muốn ăn ngon, nghỉ dưỡng sang trọng, được vui chơi, mua sắm mà còn có nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật. Rất nhiều điểm đến trên thế giới như Paris, Venice, Singapore hay Thái Lan đều chú trọng phát triển các show diễn nghệ thuật. Vì vậy, ông Vỷ kỳ vọng kinh tế ban đêm của Phú Quốc sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn và dần được “thắp sáng” bởi sự chung tay của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
SỐ, XANH, VĂN HÓA VÀ KẾT NỐI
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường - Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng từ việc định vị vị thế, vai trò của Phú Quốc tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí đề xuất định hướng, tầm nhìn phát triển cho Phú Quốc tập trung vào bốn từ khóa gồm số, xanh, văn hóa, kết nối.
Về chuyển đổi số, TP. Phú Quốc cần xác định các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 cao hơn mục tiêu chung của cả nước ít nhất 1,5 đến 2 lần, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế số. Các lĩnh vực số hóa cần sớm được nghiên cứu triển khai như tự động hóa, nhất là sinh trắc học trong làm thủ tục cho người nhập cảnh vào Phú Quốc; đẩy mạnh các dịch vụ visa điện tử, thanh toán điện tử, check in điện tử; xây dựng và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng rộng rãi các nền tảng số…
Về chuyển đổi xanh, đây là xu hướng cần đặc biệt lưu ý trong phát triển du lịch của Phú Quốc những năm tới. Chuyển đổi xanh là xu hướng chung của thế giới, nhu cầu ngày càng lớn của du khách và cũng là định hướng chiến lược phát triển của quốc gia. Thực tế đòi hỏi TP. Phú Quốc cần cân nhắc mục tiêu thu hút du khách chất lượng cao hơn là số lượng và có các giải pháp hiệu quả để vừa bảo đảm mục tiêu thu hút du khách vừa bảo đảm phát triển bền vững và giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, sau một thời kỳ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa, đô thị hóa, đã đến lúc Phú Quốc cần có chương trình “xanh hóa” đô thị.
Du khách vui chơi tại bãi Trường (TP. Phú Quốc).
Để có sức hút lâu dài với du khách, nhất là du khách phương Tây, TP. Phú Quốc cần quan tâm nhiều hơn việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, địa phương trong phát triển, nhất là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. TP. Phú Quốc cần chú trọng hơn khai thác các giá trị văn hóa, âm nhạc, ngành, nghề, ẩm thực truyền thống… trong phát triển thương mại, du lịch.
TP. Phú Quốc cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng với giá cả hợp lý, có thể thực hiện hình thức bán vé trọn gói các phương tiện theo ngày, theo tuần, bán vé điện tử cho du khách trước khi họ đến đảo. Trong kết nối với bên ngoài, chú trọng các thị trường có mức chi tiêu cao, mở thêm các đường bay đến Nga, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Australia để thu hút du khách có mức chi tiêu cao. Trong kết nối với các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN cần nghiên cứu các hình thức kết nối du lịch với Preah Sihanouk của Campuchia để cùng tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách có mức chi tiêu cao…
Bài và ảnh: TÂY HỒ - TÚ QUYÊN
(KGO) - Cầu sắt bắc qua sông Giang Thành nối liền tổ 3 và tổ 8 thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Cầu dài 132,66m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, độ cao thông thuyền 6m, mức đầu tư trên 18,5 tỷ đồng.
Tổng số lượt truy cập: