28/03/2024 10:28
VƯƠN LÊN TỪ BIỂN
TP. Phú Quốc có nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú gồm các loại tôm, cá, ngọc trai, đồi mồi, sò huyết, rong biển... giá trị cao, sản lượng lớn. Vùng biển Phú Quốc có 108 loài san hô thuộc cả hai nhóm san hô cứng và mềm, 135 loài cá rạn san hô, 3 loài cá di cư, 132 loài thân mềm lớn sinh sống trong rạn san hô, 9 loài giáp xác, 32 loài da gai và 6 loài thú biển sinh sống. Vùng biển TP. Phú Quốc là nơi sinh sống và kiếm ăn của nhiều loài cá, có loài chỉ sinh sống tại vùng biển An Thới giai đoạn ngắn trong vòng đời của chúng như bò biển, rùa biển…
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP. Phú Quốc có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Phú Quốc là đảo có diện tích 589,27km2, với 150km đường bờ biển, nằm trong ngư trường rộng lớn của Biển Tây; diện tích tiềm năng nuôi lồng bè trong phạm vi 3 hải lý của Phú Quốc lớn, khoảng 1.399km2, chiếm 43,6% diện tích tiềm năng nuôi biển của tỉnh.
Sản lượng thủy sản của Phú Quốc có vùng nuôi chủ yếu tập trung ở các xã Gành Dầu, Bãi Thơm, Dương Tơ, phường An Thới và quần đảo Thổ Chu. Nếu năm 2006 sản lượng thủy sản của TP. Phú Quốc đạt 59.937 tấn, chiếm 16% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh thì đến năm 2023 sản xuất thủy sản của thành phố đạt 4.224 tỷ đồng, sản lượng thủy sản khai thác 198.161 tấn, sản lượng nuôi trồng 930 tấn.
Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc).
Theo UBND TP. Phú Quốc, thực hiện chủ trương phát triển nguyên liệu thủy sản đầu vào bằng cách nuôi trồng thay thế dần cho khai thác tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản được tái sinh, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố tăng bình quân 11,2%/năm, diện tích nuôi trồng đạt 61ha và tổng số 550 lồng nuôi. Đối tượng nuôi phổ biến của ngư dân Phú Quốc là cá bớp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể; trong đó cá bớp, cá mú được nuôi phổ biến nhất.
Bên cạnh đó phải kể đến nghề nuôi trai lấy ngọc nhân tạo tại TP. Phú Quốc phát triển khá nhanh thời gian qua, là nét đặc trưng độc đáo của TP. Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch, mang lại giá trị cao và thu hút nhiều du khách đến Phú Quốc. “Chúng tôi nuôi cá lồng bè thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài việc nuôi cá thương phẩm, chúng tôi kết hợp làm du lịch để phục vụ du khách, tăng lợi nhuận”, anh Nguyễn Văn Nam, ngụ phường An Thới (TP. Phú Quốc) cho biết.
Đến nay, trên địa bàn thành phố được doanh nghiệp đầu tư du lịch kết hợp với nuôi biển, điển hình như khu hỗn hợp du lịch kết hợp sản xuất ngọc trai, hỗn hợp du lịch và trung tâm giống thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ, trồng rừng, bảo tồn tài nguyên biển, san hô… Để bảo vệ tính đa dạng sinh học, nhất là rạn san hô và thảm cỏ biển, UBND tỉnh thành lập khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo tồn, tổ chức khai thác giá trị tài nguyên và môi trường vùng biển.
Giai đoạn vừa qua, Ban Quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội; xây dựng bộ quy tắc của khu bảo tồn biển; phối hợp với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuần tra, giám sát, bảo vệ nghiêm khu bảo tồn biển Phú Quốc; nghiên cứu, đánh giá sự suy giảm và tiến hành một số biện pháp chuyên môn, khoa học phục hồi rạn san hô và thảm cỏ biển ở các khu vực bị hủy hoại… Những nỗ lực đó bước đầu đạt kết quả khả quan.
TÍCH CỰC GIỮ RỪNG
Để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân tại TP. Phú Quốc cần phải giữ rừng. Rừng chiếm 73,02% diện tích tự nhiên của đảo, vì vậy việc giữ rừng cũng là việc giữ cho “lá phổi” của TP. Phú Quốc luôn tốt, đảm bảo điều tiết lượng mưa, khí hậu, giữ nước… cho thành phố.
Vườn quốc gia Phú Quốc nhìn từ trên cao.
Theo Vườn quốc gia Phú Quốc, năm 2009 diện tích rừng của thành phố Phú Quốc 40.066ha, chiếm 40,4% tổng diện tích rừng của tỉnh. Năm 2022, kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng thì tổng diện tích rừng hiện có của Phú Quốc là 43.026,28ha, chiếm 73,02% diện tích tự nhiên. So chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về diện tích rừng ở đảo Phú Quốc ổn định 38.000-39.000ha thì chỉ tiêu này của TP. Phú Quốc đã vượt.
Vườn quốc gia Phú Quốc có 524 loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có các loài trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới, CITES và nghị định của Chính phủ Việt Nam. |
Theo số liệu điều tra của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật ghi nhận 1.164 loài thực vật và 270 loài động vật, từ năm 2006-2014, các nhà khoa học điều tra, bổ sung vào danh lục thực vật 233 loài, động vật 220 loài.
Hiện Vườn quốc gia Phú Quốc được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới năm 2006. Giai đoạn vừa qua, Vườn quốc gia Phú Quốc theo dõi diễn biến sinh thái rừng bằng các phương pháp điều tra, xây dựng bộ mẫu cá nước ngọt, điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn quần thể động vật móng guốc, nghiên cứu xây dựng mẫu tiêu bản gỗ của một số loài thực vật, đánh giá thực trạng xâm lấn của các loài thực vật ngoại lai và đề xuất giải pháp quản lý; nghiên cứu hiện trạng, một số đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài linh trưởng và đề xuất giải pháp bảo tồn.
Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết: “Để đạt kết quả trên, công tác quản lý và bảo vệ rừng được các cấp chính quyền chủ động phối hợp thực hiện nhằm chống chặt, phá rừng và tình trạng lấn chiếm đất rừng. Đến năm 2023, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung của thành phố đạt 25ha, tỷ lệ che phủ rừng 62,9%...”.
Bài và ảnh: TÂY HỒ - TÚ QUYÊN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: