27/10/2023 13:37
NHỮNG XU HƯỚNG DU LỊCH MỚI
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng hậu COVID-19 du lịch nổi lên 5 xu hướng chính gồm số hóa ngành du lịch ngày càng phổ biến, du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển, du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu, trào lưu mới du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe thịnh hành.
Các chuyên gia nhấn mạnh giải pháp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng và cung cấp hướng dẫn cho tất cả các quyết định du lịch. Vấn đề về thị thực điện tử vừa được Quốc hội thông qua là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của khách du lịch trên toàn thế giới.
Khách du lịch vui chơi, giải trí trên biển Hà Tiên.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết hầu hết các công ty du lịch linh hoạt áp dụng công nghệ sáng tạo để giữ an toàn cho khách hàng mà vẫn cung cấp trải nghiệm du lịch mới mẻ, tiện lợi. Đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe… không tiếp xúc, dịch vụ qua ứng dụng hoặc hỗ trợ nhân viên hướng dẫn qua ứng dụng di động… là một trong các giải pháp mang lại sự yên tâm cho du khách.
Ông Trần Quốc Khánh nhận định các công nghệ AR, VR ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng, thông qua các giải pháp như các chuyến tham quan ảo đến các khu vực nghỉ dưỡng, cabin máy bay, bảo tàng và các điểm tham quan. Những công nghệ này giúp du khách nghiên cứu điểm đến kỹ hơn, mang lại sự tự tin cho việc lập kế hoạch chuyến đi.
Trong khi đó, ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Vietravel Chi nhánh Rạch Giá thông tin các chuyến đi nội địa với chặng ngắn ngày hấp dẫn hơn đối với người đam mê du lịch. Dù để giải trí hay công tác, du khách thường có xu hướng chọn các điểm đến trong nước để đảm bảo an toàn tối ưu giữa mùa dịch, đồng thời tránh các quy tắc kiểm dịch khác nhau giữa các quốc gia. Trong tương lai, xu hướng này dự kiến tạo ra nhu cầu về các kế hoạch du lịch theo khu vực, chẳng hạn như người châu Á đi du lịch trong châu Á, người châu Âu đi du lịch châu Âu… Và du khách có xu hướng chọn du lịch thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, du lịch sức khỏe là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ được nhiều du khách lựa chọn. Mục đích cốt lõi của du lịch chăm sóc sức khỏe là phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần…
XANH, SẠCH, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI
Vẻ đẹp quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương).
Theo Sở Du lịch, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 16-11-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Kiên Giang xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy hơn nữa vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Kiên Giang chú trọng phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch; phát triển chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng; qua đó phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch của tỉnh.
Tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vào tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác; tư duy mới và cách làm sáng tạo; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn du khách quay trở lại nhiều lần, cảm nhận sự an toàn, lành mạnh, mến khách… |
Kiên Giang hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Tập trung khai thác hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo sản phẩm chuyên đề mà tỉnh có thế mạnh.
Phát triển du lịch trong giai đoạn mới chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ phù hợp nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
“Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ biển, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển, đảo, ven biển; tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, kết nối với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế để Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới…”, đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: