26/10/2023 15:20
NHIỀU THÁCH THỨC
Đại dịch COVID-19 cho thấy du lịch là một trong những ngành dễ bị tổn thương và người làm du lịch cần có cái nhìn khác về cách làm du lịch. Hậu COVID-19, ngành du lịch Kiên Giang từng bước phục hồi song còn nhiều thách thức.
Theo Sở Du lịch, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, lượng du khách và doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là du lịch lữ hành phải giải thể hoặc đóng cửa; nhiều cơ sở lưu trú ngừng hoặc hoạt động cầm chừng; một số lao động bỏ nghề...
Trước tình hình đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp khôi phục ngành du lịch và thu hút du khách đến Kiên Giang. Tỉnh thực hiện thí điểm đón du khách quốc tế đến Phú Quốc theo hộ chiếu vaccine để thích ứng với đại dịch trong trạng thái bình thường mới.
Các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch triển khai kịp thời, đồng bộ giải pháp kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, nhờ vậy lượng du khách đến Kiên Giang tăng…
Lượng du khách đến tham quan, du lịch tại Kiên Giang năm 2021 trên 3,1 triệu lượt; riêng năm 2022 tổng du khách đến Kiên Giang đạt 7,5 triệu lượt, tăng 142% so cùng kỳ (vượt 35,1% kế hoạch năm). Tổng thu năm 2022 đạt trên 10,5 ngàn tỷ đồng, tăng 230,9% so cùng kỳ, vượt 36,7% kế hoạch năm.
Du khách vui chơi, giải trí tại khu du lịch Mũi Nai (TP. Hà Tiên).
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và cơ bản vượt qua khó khăn và được coi là cơ hội để du lịch Kiên Giang tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng đang đứng trước những thách thức. Đó là tỷ lệ du khách đi tour trọn gói, lưu trú dài ngày, chi tiêu của du khách và tỷ lệ kín phòng có chiều hướng giảm; đồng thời tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu rõ trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi…
ĐÂU LÀ CƠ HỘI CỦA DU LỊCH KIÊN GIANG?
Năm 2023, ngành du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu đón 8,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 400.000 lượt du khách quốc tế. Mục tiêu này khả năng cao Kiên Giang sẽ đạt, tuy nhiên để du lịch phát triển bền vững Kiên Giang cần tập trung tranh thủ những cơ hội, khắc phục khó khăn để du lịch phục hồi và phát triển. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng của du lịch nội địa, thực sự là trụ cột, động lực chính của toàn ngành.
Nâng cao chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; mở rộng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch… Đồng thời gia tăng sức thu hút với du khách quốc tế thông qua việc triển khai giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của Kiên Giang với các thị trường trong khu vực…
Theo đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, ngành du lịch Kiên Giang xác định chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xương sống để nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới; đồng thời thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới...
Du khách tham quan, du lịch tại huyện đảo Kiên Hải.
“Kiên Giang tập trung giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến hấp dẫn, an toàn nhằm thu hút du khách đến tham quan, du lịch; đẩy mạnh truyền thông chính sách thị thực mới cho khách quốc tế đến Phú Quốc tại nước ngoài; phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ với du khách; tập trung kết nối doanh nghiệp, trao đổi nguồn khách; vận động các hãng hàng không phối hợp với các đơn vị lữ hành nghiên cứu mở rộng đường bay trong nước, khôi phục các đường bay và tuyến đường biển...”, đồng chí Bùi Quốc Thái nói.
Bên cạnh đó, Kiên Giang tổ chức, tham gia chương trình xúc tiến du lịch, chào bán sản phẩm, dịch vụ tại thị trường trọng điểm; đẩy mạnh chương trình giới thiệu du lịch Kiên Giang tại các thị trường ASEAN, Đông Bắc Á, Úc, châu Âu... Tổ chức đón, tiếp các đoàn famtrip, presstrip trong và ngoài nước đến Kiên Giang khảo sát, trải nghiệm về du lịch.
Kiên Giang triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Đồng thời, ngành du lịch đề xuất chính sách hỗ trợ cho du lịch như chính sách ưu đãi vào các địa bàn du lịch trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch...
Theo ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Vietravel chi nhánh Rạch Giá, năm 2023, Vietravel Rạch Giá hướng tới thị trường nước ngoài, thị trường Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là thị trường truyền thống của Kiên Giang nhưng cũng không quên thị trường du lịch nội địa.
“Với kinh nghiệm của mình, năm 2023 Vietravel cam kết hỗ trợ địa phương trong công tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá hình ảnh thông qua các hoạt động của công ty; Vietravel cố gắng kéo du khách về các điểm đến mới của Kiên Giang như Kiên Hải, U Minh Thượng, An Minh… nhằm góp phần đưa du lịch Kiên Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh định hướng”, ông Du Tố Tuấn khẳng định.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: