03/02/2021 09:50
Là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, năm 2016 xã Nam Thái (An Biên) có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 23%. Nhờ thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay xã Nam Thái đã thay da đổi thịt, phát triển từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,02%...
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC
Là hộ nghèo ấp Bào Láng, xã Nam Thái, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bà Thị Dạng vừa thoát nghèo năm 2020. “Làm ăn thất bại, ruộng đất cầm cố, nợ nần chồng chất nên gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. Nhờ Nhà nước cho vay ưu đãi 7 triệu đồng, tôi phát triển mô hình nuôi heo.
Sau đó, tôi tích lũy được vốn mở thêm tiệm bán tạp hóa và điểm tâm sáng… cuộc sống dần ổn định ”, bà Dạng nói. Đến nay, gia đình bà Dạng chuộc lại đất canh tác, cất được căn nhà đàng hoàng và thoát nghèo.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nguyên - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái, ngoài việc thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, Nam Thái còn huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho người nghèo.
Để giải quyết vấn đề giảm nghèo, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo việc làm cho người lao động mà còn phải tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản, các nguồn vốn phát triển sản xuất, tạo cơ hội để có thể tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nguyên (bìa trái) - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái (An Biên) đến thăm, động viên bà Thị Dạng (thứ hai, từ trái qua) tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương tổ chức đối thoại với hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân nghèo như không đất, tư liệu sản xuất; có nguồn lao động nhưng không tìm được việc làm; thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm phát triển kinh tế; già yếu, bệnh tật… từ đó đề xuất triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh huy động trên 4.780 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng trên 2.600 căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ học nghề cho trên 15.000 người nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất và hơn 2.000 lao động thuộc hộ cận nghèo. Hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, tặng trên 39.000 suất quà, với tổng số tiền hơn 27,4 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016-2019, toàn tỉnh có trên 80.700 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng, với gần 1.185 tỷ đồng...
KHƠI DẬY Ý CHÍ THOÁT NGHÈO
Đồng chí Ngô Thị Thà - Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Trẻ em - Bình đẳng giới và tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Muốn phát triển kinh tế, mỗi thành viên trong gia đình phải quyết tâm tham gia lao động, cần cù làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình về ý chí vươn lên, tự nguyện xin thoát nghèo”.
Ở ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao), người dân luôn xem gia đình ông Danh Tanh là gương sáng về nghị lực thoát nghèo. Gia đình có 5 người con nhưng chỉ có 1 công đất ruộng. Ông được xét hộ cận nghèo năm 2015. Được Nhà nước hỗ trợ vốn, vật nuôi và mỗi thành viên trong gia đình đều chịu khó làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, kinh tế gia đình ông Tanh ngày càng ổn định. Năm 2017, ông xin thoát hộ cận nghèo. Đến nay, gia đình ông tích lũy mua thêm 6 công đất ruộng và xây dựng căn nhà khang trang trên 230 triệu đồng, vươn lên mức sống khá.
Năm 2015, hộ nghèo của tỉnh chiếm 9,78%. Đến năm 2020, hộ nghèo còn 1,91% (8.790 hộ). Sau 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm được hơn 22.900 hộ nghèo, bình quân giảm 1,77%/năm; 3 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm: TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá và huyện Kiên Hải. Toàn tỉnh có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhưng tỷ lệ còn cao so các huyện còn lại là huyện Giang Thành, U Minh Thượng và huyện An Minh. |
Đồng chí Tô Hải Đăng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao cho biết: “Năm 2015, huyện có 3.917 hộ nghèo, chiếm 11,74% dân số. Sau 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, hiện huyện còn 2,98% hộ nghèo, mỗi năm huyện giảm trên 2,5%, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đời sống người dân nâng lên, là đòn bẩy để Gò Quao thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới”.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: