04/02/2021 16:07
HỖ TRỢ ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI
Gia đình có 7 người con, đều có gia đình riêng, cuộc sống của vợ chồng ông Trịnh Văn Chính và bà Phạm Thị Tơ, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước. “Mỗi tháng vợ chồng tôi được trợ cấp 540.000 đồng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế đến cuối đời. Vợ chồng tôi 81 tuổi, không còn khả năng lao động, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ là điều kiện để tôi ổn định cuộc sống”, ông Chính chia sẻ.
Đồng chí Phạm Minh Công (bìa trái) - cán bộ công chức lao động - thương binh và xã hội xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) đến thăm, thông tin các chính sách bảo trợ xã hội cho chị Nguyễn Thị Đẹp, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng).
Hiện việc chi trả hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội được hệ thống bưu điện tỉnh thực hiện. Để tạo thuận lợi cho người dân, các địa phương chi trả theo lịch hẹn cố định, có những nơi chi trả đến tận ấp và tận nhà đối với những trường hợp đặc biệt.
Đồng chí Đặng Quốc Cần - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng cho biết: “Toàn huyện có gần 8.000 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trợ cấp hàng tháng trung bình 3,2 tỷ đồng. Các đối tượng bảo trợ xã hội đang sinh sống tại cộng đồng được hưởng đầy đủ, chi trả kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước. Riêng những đối tượng còn khả năng lao động, tùy từng trường hợp, địa phương có hướng giúp đỡ, cải thiện cuộc sống…”.
Năm 2020, toàn tỉnh chi bảo trợ thường xuyên cho trên 52.700 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 235 tỷ đồng; trong đó, trợ cấp đối tượng tại cộng đồng trên 232 tỷ đồng, đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội gần 3 tỷ đồng.
Nhân viên Bưu điện huyện Vĩnh Thuận đến trụ sở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận) cấp tiền trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên cho người dân.
Đồng chí Ngô Thị Thà - Trưởng Phòng bảo trợ xã hội, Trẻ em - Bình đẳng giới và tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đối với những trường hợp không thể tự lo liệu ngoài cộng đồng, tỉnh đầu tư xây dựng và xã hội hóa các cơ sở bảo trợ xã hội để tiếp nhận và nuôi dưỡng những người yếu thế, bất hạnh, không còn nơi nương tựa, từ đó thể hiện được chính sách ưu việt của Nhà nước, không bỏ sót đối tượng nào”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở bảo trợ xã hội công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Nhà dưỡng lão) và 3 cơ sở ngoài công lập (Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, Cơ sở Bảo trợ xã hội mái ấm Tình Mẹ) đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 400 đối tượng. “Đây được xem là mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh, họ được chở che, an ủi và tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc, hy vọng trong cuộc sống”, đồng chí Phan Đình Sáu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nói.
CHUNG TAY TRỢ GIÚP
Các trẻ được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội mái ấm Tình Mẹ, ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) đan thảm chùi chân vừa tạo nguồn thu nhập vừa giúp các em hiểu được giá trị lao động.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh vận động toàn xã hội chung tay góp sức chăm lo cho người nghèo, người kém may mắn thông qua các hội, quỹ từ thiện. Hiện tỉnh có các hội đang hoạt động phạm vi trong tỉnh như Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Người mù tỉnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh…
“Ngoài sự hỗ trợ của ngân sách gắn với nhiệm vụ được giao, các hội vận động nhà tài trợ trong và ngoài nước để chăm lo cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân”, đồng chí Ngô Thị Thà cho biết.
Năm 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ gắn với nhiệm vụ các hội trên 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các hội vận động kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gần 60 tỷ đồng, thực hiện công tác từ thiện xã hội.
Anh Châu Minh Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh cho biết: “Hiện Hội Người mù tỉnh có gần 200 hội viên. Cuộc sống của người khiếm thị đa phần gặp khó khăn. Ngoài sự bảo trợ hàng tháng của Nhà nước, hội vận động nhà tài trợ tặng quà, tạo điều kiện cho hội viên hòa nhập cộng đồng”. Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, Hội Người mù tỉnh vận động 650 suất quà với tổng trị giá trên 300 triệu đồng tặng người khiếm thị, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đón tết.
Theo quy định, đối tượng được trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 - 22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất; trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu trợ cấp xã hội; người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ, người đơn thân nghèo đang nuôi con; người cao tuổi; người khuyết tật. Ngoài ra, người nhận nuôi dưỡng chăm sóc ngoài cộng đồng cũng được chính sách trợ cấp hàng tháng… |
Sinh ra trong gia đình nghèo, chị Nguyễn Thị Đẹp, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) bị khuyết tật chân từ nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Nhiều năm qua, gia đình tôi là hộ nghèo do không có đất sản xuất, tôi tật nguyền không thể lao động như người bình thường. Nhờ Nhà nước có chính sách trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, tặng quà… gia đình tôi có điều kiện trang trải, ổn định cuộc sống”, chị Đẹp chia sẻ.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào con người cũng gặp những thuận lợi, may mắn mà có thể gặp những biến cố, rủi ro, bất hạnh vì nhiều nguyên nhân. Do đó, chính sách bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo thu nhập, điều kiện sống thiết yếu đối với trường hợp đặc biệt khó khăn, không chỉ góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội mà còn mang tính nhân đạo sâu sắc.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: