12/11/2022 16:25
Từ đất đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang), chị Tô Diễm Thúy mang đến cuộc thi những hạt tiêu chín đỏ được phơi khô kỹ lưỡng.
“Cây tiêu của gia đình tôi có tuổi đời từ 15-20 năm, được trồng ở vùng đồi núi đất cát pha mùn hữu cơ từ cây lá, hoàn toàn không dùng hóa chất hay phân hóa học. Khi phơi khô, hạt tiêu bóng, mẩy, có vị thơm, cay nồng mà các vùng đất khác không có được”, chị Thúy chia sẻ.
Với giá tiêu bán sỉ 130.000 đồng/kg, bán lẻ 150.000 đồng/kg, chị Thúy cho biết sẵn sàng ký hợp đồng bán cho doanh nghiệp với lượng cung ứng từ 1-1,2 tấn/năm. Hiện với 2ha trồng tiêu, chị Thúy thu từ 2,5-3 tấn tiêu/năm. Sau khi trừ chi phí, chị thu lợi nhuận từ 60-80 triệu đồng.
Các thí sinh đem đến cuộc thi những sản phẩm quê nhà có những thành công nhất định thời gian qua. Đó là trà mãng cầu xiêm của chiến sĩ Công an huyện Giồng Riềng; son gấc hữu cơ của cô giáo dạy vật lý ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; rượu gạo của chàng thanh niên huyện An Minh hay thịt dừa nước rim đường thốt nốt, muối ớt cá cơm của các sinh viên trường đại học, cao đẳng trong tỉnh...
Tại cuộc thi, các startup trao đổi thân tình, bật mí những bí quyết khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu thành công. Những câu chuyện kinh doanh tại cuộc thi được trao đổi như những người trong gia đình, xóa tan mọi khoảng cách giữa các chuyên gia và thí sinh dự thi.
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thưởng thức món dừa nước rim đường thốt nốt của các sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nông dân Kiên Giang startup 2022”.
Cả hội trường phấn chấn khi được chị Nguyễn Thị Pha Phăng, ngụ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành chia sẻ về sản phẩm từ trái gấc quê nhà.
“Da mặt tôi từng bị nám, tàn nhang và đồi mồi rất nhiều, dù đã sử dụng nhiều loại mỹ phẩm nhưng không hết. May mắn gặp được người bạn chỉ cách trị nám bằng dầu gấc. Tôi tự nghiên cứu để tự làm dầu gấc. Sau 6 tháng sử dụng, da mặt tôi dần trắng sáng hơn, nám giảm được 50%. Tôi đem tặng cho nhiều bạn bè cùng trang lứa sử dụng cũng rất hiệu quả”, chị Pha Phăng kể.
Từ thành công bước đầu với sản phẩm tưởng chỉ dừng lại ở việc làm đẹp cho bản thân, sau 4 năm khởi nghiệp, chị Pha Phăng đã sản xuất gần chục sản phẩm từ trái gấc như dầu dưỡng da, dầu gấc để ăn, son dưỡng môi, sa tế gấc, cồn xoa bóp hạt gấc. Sắp tới, chị sẽ ra mắt thêm sản phẩm bột gấc dùng để chế biến thực phẩm.
Chị Pha Phăng nói: “Hiện nay, mỹ phẩm hữu cơ đang được chị em quan tâm và tin dùng. Tôi hướng tới phân khúc khách hàng từ 30 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này, da của nhiều chị em đã sạm và môi bị khô. Thậm chí, nhiều người dùng mỹ phẩm công nghiệp bị ảnh hưởng khiến da sẫm màu, môi bị thâm đen. Trong khi đó, sản phẩm hữu cơ lại không gây hại cho da, tuy tác dụng chậm hơn nhưng rất an toàn”.
Với mong muốn làm ra món ăn lạ miệng cho du khách khi đến Kiên Giang, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, em Nguyễn Phước Lộc và một số người bạn Khoa Nông nghiệp - Công nghệ thực phẩm, Trường Cao đẳng Kiên Giang có ý tưởng lấy phần thịt dừa nước kết hợp với đường thốt nốt giàu dinh dưỡng để phát triển dự án “Sản xuất, kinh doanh dừa nước rim đường thốt nốt”.
Theo phân tích của Lộc và những người bạn, dự kiến giá bán 130.000 đồng/kg, trung bình một tháng bán 23.200 sản phẩm, nhóm sẽ thu hơn 900 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 174 triệu đồng. Nếu thị trường tiêu thụ tốt, sau 1 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư.
Trong phần trình bày dự án của nhóm tại cuộc thi, em Lộc nói: “Ai đó đã từng nói “nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”. Dù con đường khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng chúng em vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng để có thể thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, biến chúng thành hiện thực”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: