20/10/2022 13:42
Theo chị Lê Thị Kim Thoa, ngụ xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), người dân huyện Vĩnh Thuận nuôi tôm nhiều nhưng giá tôm bấp bênh. Với mong muốn phát triển nghề làm khô, mắm ở địa phương, chị Thoa mua tôm về làm khô và mắm tôm nhằm tạo đầu ra cho tôm và giải quyết việc làm cho phụ nữ.
Năm 2019, chị Thoa khởi nghiệp từ nghề làm khô, mắm cá đồng và thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát do chị làm giám đốc. Ban đầu hợp tác xã sản xuất số lượng ít, gửi các nơi giới thiệu sản phẩm. Được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm của hợp tác xã được mở rộng thị trường ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với tôm khô, chị Thoa cùng thành viên mua cá lóc đồng để làm khô, mắm. Bên cạnh đó, chị sang các khu vực lân cận mua cá kèo về làm khô. Đến năm 2021, 5 sản phẩm của Hợp tác xã Hiểu Phát được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp chủ yếu dựa vào thu nhập từ việc bán thức ăn sáng. Với thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày không đảm bảo nuôi 3 con chị Hiền ăn học.
Được người thân giới thiệu nghề làm hủ tiếu, bún gạo khô, chị Hiền đăng ký với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hiệp B khởi nghiệp với mô hình sản xuất hủ tiếu, bún gạo khô. Chị được hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư máy móc phục vụ chế biến. Chị Hiền chọn nguyên liệu để sản xuất là gạo Hàm Châu ở Cà Mau, sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, không dùng chất phụ gia, không dùng chất làm dai, giòn…
“Cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, kinh phí cho quảng cáo, tiếp thị không có nên những ngày đầu vợ chồng tôi chở hàng bằng xe gắn máy đi các chợ, cửa hàng, đại lý trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh bán. Khi có đơn hàng, tôi yên tâm sản xuất”, chị Hiền nói.
Uy tín, chất lượng làm nên thương hiệu, trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hiền sản xuất hơn 150kg gạo nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình chị lời khoảng 10-12 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
“Thời gian tới, tôi mở rộng quy mô sản xuất, giữ vững và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm”, chị Hiền cho biết.
Theo chị Bùi Thị Ngọc Quế, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), những năm qua, nghề nuôi vịt xiêm được nhiều nông dân huyện Hòn Đất triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi của các hộ chủ yếu theo hình thức truyền thống như chăn thả tự do ngoài ao, vườn... Do đó lượng thức ăn tiêu tốn cho vịt nuôi lớn, vịt dễ mắc bệnh, tỷ lệ chết cao dẫn đến lợi nhuận chưa cao, đầu ra không ổn định. Từ đó chị Quế quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt xiêm nhà kín.
Chị Lê Thị Kim Thoa, ngụ xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phơi cá khô chuẩn bị giao cho khách hàng.
Chúng tôi được chị Quế đưa đi tham quan khu chuồng trại nuôi vịt với nhà sàn khép kín, có miếng lót sàn bằng lưới. Theo chị Quế, vịt xiêm sống trong môi trường vệ sinh cao nên sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, chi phí thức ăn thấp, giá trị dinh dưỡng cao và đầu ra ổn định so vịt xiêm nuôi truyền thống.
Với mô hình chăn nuôi vịt xiêm trên sàn lưới, chất thải tươi của vịt rơi xuống ngay và sẽ được làm vệ sinh gom khô hàng ngày và hàng tuần có tổng vệ sinh khử trùng.
Vịt nuôi trên sàn lưới sạch nên tỷ lệ hao hụt không có hoặc thấp, bảo đảm đầu con nuôi sống đạt trên 95%, đàn vịt đồng đều, nuôi khoảng 3 tháng đạt từ 1,5-2kg/con. Sau 3 năm nuôi, trung bình mỗi năm trừ chi phí chị thu lãi gần 100 triệu đồng.
10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ngụ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) bán thức ăn sáng cho người dân địa phương. Vì gần chợ nên lượng khách ăn sáng nhiều, chị quyết định kinh doanh thêm một số mặt hàng thiết yếu phục vụ khách hàng.
Chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Điền tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn được vay, chị ngừng kinh doanh thức ăn sáng, tập trung mở rộng tiệm tạp hóa kinh doanh mặt hàng thiết yếu, kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi.
“Sau 6 năm kinh doanh, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, các con tiếp tục đến trường, gia đình mua được mảnh đất 160m²”, chị Nga nói.
Nhờ có kiến thức trong kinh doanh, chị Nga hạch toán lỗ lãi, các mặt hàng được niêm yết giá công khai, đặc biệt chị luôn quan tâm đến nhu cầu khách hàng để kinh doanh các mặt hàng phù hợp, từ đó gia đình chị thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Sáng 9-12, tại TP. Hà Tiên (Kiên Giang) diễn ra hội nghị tổng kết công tác Mặt trận Cụm thi đua của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2024. Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt - Cụm trưởng Cụm thi đua và thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 12 tỉnh miền Tây Nam bộ.
Tổng số lượt truy cập: