01/01/2023 14:20
NHỘN NHỊP LÀM LÒ BÁN TẾT
Trở lại làng nghề lò đất Đầu Doi vào những ngày cuối năm, không khí làm việc nơi đây khá sôi động. Tiếng máy trộn đất nổ xình xịch nuốt từng cục đất lớn trước khi cho ra những thớ đất nhuyễn hơn, dẻo hơn cung cấp cho thợ nắn lò.
Những phụ nữ nhanh nhẹn đôi tay, thuần thục liên tục nắn thành từng chiếc lò đất rồi đem ra phơi nắng, trước khi cho chúng vào lò nung.
Phụ nữ xóm lò Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất đang hoàn thiện các sản phẩm để phục thị trường Tết Nguyên đán năm 2023 sắp đến.
Chị Quách Thị Ngọc Hà, một hộ làm lò đất khu phố Đầu Doi cho biết, vào dịp tết, thị trường lò đất nhộn nhịp hơn nên chị phải xoắn tay cùng 3 người làm công để kịp giao sản phẩm cho thương lái. “Cơ sở của tui nhỏ nên đợt tết xuất khoảng 2.000-3.000 lò đất; ngày thường thì ít hơn. Lò đất hiện ít người sử dụng, tuy nhiên đầu ra vẫn có”, chị Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, một thợ làm lò đất có 15 năm kinh nghiệm cho hay, nghề này giờ có phần mai một nhưng cơ bản còn sống được. “Hiện người dân Đầu Doi làm lò đất chủ yếu lấy công làm lời. Gia đình nào ít người thì thuê 1-2 nhân công làm phụ. Thời điểm cuối năm, lò đất được tiêu thụ mạnh hơn, người dân sống bằng nghề này cũng vui hơn”, ông Thành chia sẻ.
Nghề làm lò đất ở khu phố Đầu Doi đã tồn tại trên 100 năm tuổi, nhiều gia đình đến nay có 3-4 thế hệ giữ nghề.
Tại xóm lò Đầu Doi, lò đại đốt củi được bán giá khoảng 60.000 đồng/lò, loại 1 giá 30.000 đồng/lò, loại 2 giá 25.000 đồng/lò. Lò than đắt hơn, tùy theo loại sẽ có giá từ 80.000 đến hơn 100.000 đồng/lò.
Riêng người làm thuê sẽ tính công theo sản phẩm, bình quân thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Lệ (56 tuổi), ngu khu phố Đầu Doi chia sẻ: “Tôi làm nghề này trên 20 năm. Trước đây, tôi làm nhà nhưng do nghề ngày càng mai một, đầu ra và nguyên liệu khó nên nghỉ. Giờ tôi phụ làm với một người hàng xóm kiếm thêm thu nhập”.
Ông Nguyễn Văn Cam - Phó trưởng khu phố Đầu Doi cho biết, nghề làm lò đất ở địa phương có trên 100 năm. Thời vàng son có trên 200 cơ sở làm lò đất, làm suốt ngày đêm vẫn không kịp giao cho thương lái. Các sản phẩm làm ra nhiều chủng loại như khuôn bánh khọt, nồi đất, chậu đất... Riêng lò đất là mặt hàng được xem chủ lực của địa phương.
“Khoảng 20 năm trước, dọc theo con kênh Rạch Giá - Hà Tiên rồi rẽ vào các nhánh của con kênh, người làm nghề này rất đông; ghe cỡ lớn của thương lái nhiều nơi tập trung về đậu đầy bến sông, vui lắm. Nhưng giờ xóm lò Đầu Doi chỉ còn khoảng 40 hộ bám nghề”, ông Cam nói.
KHÓ KHĂN NHƯNG VẪN GIỮ NGHỀ
Nhiều người hiện còn gắn bó với nghề làm lò đất ở khu phố Đầu Doi cho rằng, dù đầu ra của sản phẩm vẫn có, nhưng đứng trước nguy cơ mai một. Lý do chính là thiếu nguồn nguyên liệu đất sét và thu nhập từ nghề khá ít.
“Giờ chi phí mua đất sét, đất cát, trấu để nung và tiền thuê nhân công hiện khá cao nhưng giá sản phẩm thấp. Vì vậy, nhiều người dân ở đây không còn tha thiết với nghề. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng lò đất của người dân ngày càng ít nên nghề này không còn nhiều người làm như trước”, ông Nguyễn Văn Thành nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ đang hoàn thiện chiếc lò.
Theo ông Nguyễn Văn Cam, nghề làm lò đất ở địa phương ngày càng mai một là xu thế thị trường có thể dự đoán trước được. “Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của nghề lò đất Đầu Doi là nguyên liệu. Ngày xưa đất sét ở đây bao la, cứ lấy về làm lò, không phải mua. Giờ nghề trồng lúa phát triển mạnh, đất đều có chủ canh tác; trong khi muốn có nguyên liệu thì phải mua, nhưng không có nhiều. Thực tế, các hộ dân còn duy trì làm nghề lò phần lớn do không có đất hoặc ít đất sản xuất nông nghiệp và không có nghề nào khác hơn”, ông Cam nói.
Nhớ lại thời kỳ vàng son của lò đất Đầu Doi, những người gắn bó với nghề đều không khỏi chạnh lòng. Bà Vũ Thị Sởi, một hộ làm lò khu phố Đầu Doi bộc bạch: “Hồi đó ở đây không nhà nào không làm nghề lò đất, từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ, đông vui lắm; ban đêm cũng như ban ngày, ghe vào hỏi mua liên tục. Bây giờ có khi 2 tháng không ai hỏi mua”.
Lò đất Đầu Doi ngày nay vẫn còn được khá nhiều hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng, nhất là khu vực nông thôn.
Dù gặp nhiều khó khăn, song những người làm nghề làm lò đất xứ Hòn hiện vẫn muốn gắn bó với nghề truyền thống này, bởi họ tin những cái lò làm từ đất sét dân dã vẫn còn nhiều người sử dụng.
Thậm chí, ở những thành phố lớn, lò đất, lò than còn xuất hiện ở các hàng quán để nấu lẩu, nướng. Hay chí ít ở các vùng quê, người dân vẫn dùng lò đất nấu ăn hằng ngày. Và sâu xa hơn, với nhiều người, ngoài là nghề kiếm sống, làm lò đất còn là nghề truyền thống của cha ông để lại nên cố gắng giữ gìn.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU - THỦY TIÊN
(KGO) - Ngày 13-9, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang tổ chức trao tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: