24/02/2021 14:39
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị đã phối hợp TP. Phú Quốc lấy ý kiến các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh nước mắm nhằm hoàn thiện bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc hoàn thành hồ sơ khoa học trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du khách tham quan mô hình nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc.
Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, chủ nhà thùng nước mắm Khải Hoàn Phú Quốc cho biết nghề nước mắm Phú Quốc đã có hơn 200 năm hình thành và phát triển. Năm 2012, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ thương mại tại châu Âu. Hiện nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc chuyển dần theo hướng sản xuất quy mô, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn giữ tính gia truyền, đặc trưng riêng của nước mắm Phú Quốc.
Cũng theo bà Liên, nước mắm Phú Quốc được chế biến từ nguyên liệu cá cơm. Cá cơm sau khi khai thác được muối ngay trên biển nên cá đảm bảo tươi, độ đạm cao. Với quy trình kỹ thuật truyền thống của địa phương cộng với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất tạo nên màu sắc, hương vị độc đáo riêng biệt được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Khi nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là nguồn động viên rất lớn để người dân Phú Quốc phát triển nghề, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của thành phố đảo vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Khách hàng chọn mua sản phẩm nước mắm Phú Quốc tại cơ sở sản xuất nước mắm Khải Hoàn (Phú Quốc).
Hiện Phú Quốc có trên 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, hàng năm cung cấp ra thị trường 30 triệu lít nước nắm từ 20 đến 43 độ đạm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhiều nhà thùng nước mắm tại Phú Quốc nhận định, việc nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ vinh danh nghề truyền thống mà còn vinh danh nét văn hóa bản địa và một sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Quốc.
“Gia đình tôi đã 3 thế hệ làm nước mắm tại Phú Quốc. Qua nhiều năm chúng tôi vẫn giữ nét truyền thống, bí quyết riêng để cho ra loại nước mắm mang hương vị riêng. Hiện gia đình cũng đưa hoạt động tham quan nhà thùng phục vụ du khách, với mong muốn giới thiệu nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc như một sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương. Đó cũng là cách chúng tôi mong muốn được góp phần giữ gìn nét văn hóa bản địa cho thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam”, ông Bùi Áng Văn - thành viên nhà thùng nước mắm Kim Hoa, tổng quản lý Kim Hoa Resort Phú Quốc chia sẻ.
Du khách tham quan nhà thùng nước mắm Khải Hoàn Phú Quốc.
Đồng chí Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc khẳng định: “Thời gian qua thành phố đã phối hợp các ngành chức năng, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị công nhận nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi được công nhận đây sẽ là niềm vinh dự, tự hào của người sản xuất nước mắm Phú Quốc, từ đó sẽ động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo phát triển nghề, góp phần quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo Phú Quốc vươn xa thị trường trong nước và quốc tế”.
Thời gian tới, TP. Phú Quốc sẽ quy hoạch khu sản xuất nước mắm tập trung, xây dựng bảo tàng nước mắm Phú Quốc phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nghề này”.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: