08/06/2020 14:48
CHUYỂN DỊCH KINH TẾ
Cơ cấu kinh tế của xã Vĩnh Bình Nam gồm nông nghiệp - thủy sản, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản được xem là thế mạnh của địa phương. Lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, cụ thể là trồng lúa, nuôi tôm chiếm 73% trong cơ cấu kinh tế của xã. Đảng bộ xã lãnh đạo chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, mở rộng diện tích nuôi tôm để tăng sản lượng. Hiện diện tích lúa 2 vụ của xã hơn 168,43ha (giảm hơn 136ha so năm 2015), năng suất 5 tấn/ha; diện tích lúa trên nền tôm hơn 3.320ha, năng suất 5,5 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng lương thực toàn xã lên 3.526 tấn. 5 năm qua, diện tích nuôi tôm của xã tăng trên 3.320ha, sản lượng trên 3.237 tấn, đạt hơn 164% so nghị quyết.
Cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47,32 triệu đồng/năm, tăng 5,32 triệu đồng so đầu nhiệm kỳ, đạt 112,45% so nghị quyết. Ông Lê Văn Khá (70 tuổi), ngụ ấp Tân Phong cho biết, hàng năm nhờ 7ha nuôi tôm càng xanh, gia đình có lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng. “Tôm càng xanh phù hợp vùng đất của địa phương. Việc lãnh đạo địa phương cho chủ trương giảm diện tích lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi tôm là đúng hướng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Khá khẳng định.
“Thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục xác định nông nghiệp - thủy sản là thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh lĩnh vực này. Xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50 triệu đồng/năm trở lên”, đồng chí Trần Văn Lập - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Bình Nam cho biết.
DIỆN MẠO NÔNG THÔN ĐỔI THAY
So với 5 năm trước đây, diện mạo nông thôn của xã Vĩnh Bình Nam giờ đã khác. Điện, đường, trường, trạm y tế… được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Năm 2015-2020, xã được cấp trên cấp kinh phí nạo vét 14 tuyến kênh thủy lợi. Giao thông nông thôn được xã quan tâm vận động đóng góp xây dựng và được cấp trên đầu tư góp phần thay đổi đáng kể diện mạo địa phương. Trong 5 năm, xã huy động trên 36,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 18 tuyến đường bê tông, trên 47,3km và 22 cầu bê tông, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng.
Đến nay, 5/5 ấp của xã Vĩnh Bình Nam xây dựng đường giao thông nông thôn bằng bê tông nối liền các ấp, trong đó 70% tuyến đường đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tuyến đường từ đầu quốc lộ 63 đoạn từ xã Bình Minh (Vĩnh Thuận) đi trung tâm xã Vĩnh Bình Nam đang được nâng cấp, giúp ô tô đi lại dễ dàng. “Có đường giao thông, người dân đi lại dễ dàng. Kênh được nạo vét, thương lái vào tận vuông mua tôm”, ông Khá cho biết.
Hôm nay, 8-6, Đảng bộ xã Vĩnh Bình Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng bộ xã xác định chủ đề và quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh toàn dân; đổi mới, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường lành mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới.
Đồng chí TRẦN VĂN LẬP
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Bình Nam
Năm 2018, Vĩnh Bình Nam được công nhận xã nông thôn mới. Bên cạnh cầu, đường giao thông nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể xã tích cực vận động nhân dân duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Nhiều mô hình, công trình được nhân dân đóng góp thực hiện như mô hình thắp sáng đường quê dài 6km, tuyến đường hoa dài 3km… góp phần thay đổi diện mạo quê hương Vĩnh Bình Nam.
LÊ VINH
(KGO) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua, 7-9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại các vùng biển Kiên Giang tiếp tục có mưa dông, gió giật mạnh và sóng lớn.
Tổng số lượt truy cập: