23/03/2021 17:52
Một năm thu hoạch 3 vụ tôm càng xanh nhưng gia đình ông Nguyễn Tấn Dân, ngụ tại ấp Bờ Dừa, xã Thạnh Yên không tốn chi phí thuê mướn nhân công. Đến ngày thu hoạch, các gia đình lân cận sắp xếp thời gian tới góp công, góp sức cùng gia đình ông Dân thực hiện các khâu như giăng lưới bắt tôm, vận chuyển, lựa tôm…
Theo ông Dân, nét đẹp của mô hình vần đổi công thể hiện ở chỗ các thành viên trong tổ luân phiên giúp nhau mỗi khi thu hoạch mùa vụ. Người dân còn đoàn kết bảo vệ tài sản cho nhau, cho nên, ở những nơi có tổ vần đổi công rất ít khi xảy ra tình trạng trộm cắp nông sản, thủy sản.
Ông Trần Văn Thống, ngụ ấp Bờ Dừa nói: “Nông dân nuôi tôm ở gần nhau, hộ này coi vuông tôm của gia đình mình và trông chừng tài sản của hàng xóm bên cạnh. Nhờ vậy, chúng tôi giữ gìn tài sản cho nhau, tránh bị trộm cắp”.
Nông dân ấp Bờ Dừa, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) giúp nhau thu hoạch tôm.
Việc vần đổi công tại huyện U Minh Thượng có từ lâu nhưng thời gian dài nó có dấu hiệu mai một. Gần đây, việc thiếu hụt nhân lực trong lao động, sản xuất, từ đó người dân nhận thấy vần đổi công là giải pháp tốt nhất để có nhân công lao động, giúp các hộ dân giảm chi phí. Năm 2019, Chi hội Phụ nữ ấp Bờ Dừa đã họp hội viên để triển khai, đăng ký thực hiện tổ vần đổi công. Mô hình này được đông đảo người dân đồng tình tham gia.
Đồng chí Lê Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Yên cho biết: “Tổ vần đổi công được thành lập và đi vào hoạt động năm 2019, hiện có 18 thành viên có cả nam và nữ. Các thành viên giúp nhau ngày công và hỗ trợ nhau dụng cụ để thu hoạch tôm, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng thu nhập cho người dân. Đây là mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả giúp người dân hỗ trợ nhau ngày công lao động, sản xuất, mà còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.
Phong trào vần đổi công ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ ấp Bờ Dừa nói: “Chúng tôi vần đổi công giúp công việc với nhau khỏi phải thuê nhân công. Người dân trong xóm giúp nhau vui vẻ lắm. Không chỉ các hộ trồng lúa, mía, nuôi tôm mới hỗ trợ nhau mà ngay cả những hộ không sản xuất cũng tự nguyện giúp xóm giềng”.
Đồng chí Dương Văn Tâm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bờ Dừa nhận xét mô hình vần đổi công đã giải quyết vấn đề thiếu lao động ở địa phương, góp phần giảm chi phí thuê nhân công nên lợi nhuận của nông dân tăng lên. Đây là mô hình được địa phương khuyến khích người dân tiếp tục giữ gìn, phát huy.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Theo khẳng định của Bộ Nội vụ, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, chia sẻ là thông tin không chính xác, do cá nhân công chức dự thảo.
Tổng số lượt truy cập: