11/07/2022 15:20
ĐUỐI NƯỚC VẪN XẢY RA
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Tỉnh có nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai, thực hiện giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đồng chí Lý Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Từ đầu năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động, tích cực phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nhất là dịp hè; đồng thời hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với một số hoạt động nổi bật như ký kết phối hợp, hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh tổ chức hoạt động dạy kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; hỗ trợ kinh phí cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức truyền thông trong hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em; duy trì, hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thành phố duy trì hoạt động 10 mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích; hỗ trợ kinh phí tổ chức 15 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em…”.
Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, làm 6 trường hợp tử vong trên địa bàn huyện An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và TP. Rạch Giá; trong đó có 1 vụ đuối nước ở huyện Vĩnh Thuận làm hai chị em ruột trong một gia đình tử vong thương tâm. So cùng kỳ năm 2021, toàn tỉnh giảm 2 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước (8 trường hợp tử vong).
Theo đồng chí Lý Anh Thư, dù được tỉnh quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan và địa phương nhưng với đặc điểm địa hình Kiên Giang có nhiều kênh, rạch, sông ngòi và ven biển nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, các em có cha mẹ đi làm xa, ở cùng ông bà, người thân lớn tuổi thiếu sự giám sát, quan tâm. Hơn nữa các em ở độ tuổi hiếu động, đặc biệt là dịp nghỉ hè có nhiều thời gian rảnh, thích rủ nhau đi bơi, tắm sông, tắm suối, tắm biển. Nếu các em không được sự giám sát, trông coi của người lớn và không biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước thì không thể ứng phó với các tình huống nguy hiểm dễ dẫn đến bị tai nạn đuối nước.
Trẻ em bơi trình diễn tại ngày olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2022.
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các sở, ngành, địa phương nỗ lực mở các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Phòng Quản lý thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Tuy có sự quan tâm của tỉnh nhưng sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em chưa chặt chẽ. Toàn tỉnh có khoảng 60 hồ bơi nhưng đa số là hồ bơi tư nhân, tại các khách sạn 3 sao, 4 sao. Nhiều trung tâm huyện, xã không có hồ bơi. Việc thiếu cơ sở vật chất làm cho công tác dạy bơi cho trẻ em chưa đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên”.
GIẢI PHÁP
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 16-5-2022 về việc triển khai chương trình an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đến năm 2030 đạt 70%; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030 so năm 2020.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, theo đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, trước hết phải quán triệt và có sự đặc biệt quan tâm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em bằng chương trình, hành động cụ thể, có thể đưa vào nghị quyết để được đánh giá kết quả hàng năm. Hệ thống thông tin của tỉnh phải tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nhận thức phòng, chống đuối nước là vấn đề cấp thiết. Đồng thời, phải điều tra chính xác số lượng trẻ biết bơi và chưa biết bơi ở từng lứa tuổi, từng cấp học, từ đó đề ra giải pháp, kế hoạch cụ thể phổ cập cho trẻ em chưa biết bơi. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, hồ bơi cố định và di động, đầu tư về nguồn nhân lực để tạo điều kiện phổ cập cho các em.
Gia đình có hai con 6 tuổi và 11 tuổi, anh Nguyễn Hoàng Nam, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) đều cho hai con đi học bơi để phòng, chống đuối nước. “Bơi lội vừa là môn thể thao vừa là kỹ năng sống nên tôi ưu tiên cho hai con học trước. Là phụ huynh, chứng kiến nhiều tai nạn đuối nước thương tâm, tôi kiến nghị ngành giáo dục và đào tạo có thể đầu tư cơ sở vật chất và đưa môn bơi lội vào trường học để tất cả học sinh được tiếp cận kỹ năng an toàn trong môi trường nước”, anh Nam chia sẻ.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, phòng, chống tai nạn đuối nước thì vấn đề quan trọng và trách nhiệm chính vẫn là của gia đình có trẻ em, do đó phụ huynh phải thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, bảo đảm an toàn cho trẻ em; chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: