18/01/2023 22:27
Hồi ấy, ở quê tôi - một huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, mỗi năm khi bước sang tháng chạp là từ làng trên xóm dưới ai nấy đều tranh thủ lúc nông nhàn chuẩn bị dần các thứ cần thiết cho ngày tết. Mọi thứ trong nhà, từ đồ ăn thức uống, bánh, mứt, cho đến các vật dụng để trang trí nhà cửa đều do người dân tự tay làm lấy. Không khí náo nhiệt của ngày xuân cũng theo đó lan tỏa khắp xóm làng.
Gia đình quây quần gói bánh tét.
Ngày 23 tháng chạp, sau lễ cúng đưa Ông Táo về trời, mọi hoạt động chuẩn bị tết chính thức được bắt đầu. Những công việc như giặt giũ mùng, mền, chiếu, gối; quét dọn trước sau… nhanh chóng được hoàn tất. Trong ý niệm của người xưa, trang hoàng nhà cửa tươm tất, sạch đẹp đón tết mang hàm ý xua đi những cái cũ, những điều không may để đón một năm mới tươi vui, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi.
Người xưa quan niệm: Con người sống có nhà, chết có mồ. Nên mỗi dịp cuối năm, xuân về mỗi gia đình đều tảo mộ, sửa sang mồ mã ông bà bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, nguồn cội.
Những ngày cận tết, xóm làng xôn xao, náo nhiệt. Dân quê tôi, ngoài những vụ mùa thì trong dịp tết, mọi người tập trung vần công làm bánh, mứt để ăn tết. Những ngày này, gà chưa gáy sáng đã nghe tiếng chày quết bánh phồng khua bòm bọp hòa vào tiếng nói cười rôm rã, lòng người nôn nao đến lạ thường.
Làm vần công như thế vừa giúp hoàn thành nhanh công việc vừa thắt chặt thêm tình nghĩa xóm làng. Đó là nét đẹp trong văn hóa cộng đồng mà ngày nay khó tìm thấy.
Hồi ấy, thịt heo đắt tiền nên ngày thường ít ai dám mua ăn. Tết đến, ai không có tiền thì đổi lúa mùa, mỗi nhà đều gói ghém để có nồi thịt kho cúng ông bà. Có lẽ thế nên món thịt heo kho tàu được xem như món ăn truyền thống không thể thiếu trong ba ngày tết.
Ngày cuối năm, sau khi bày cổ dâng cúng tổ tiên, người trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, không khí thật chan hòa, đầm ấm. Theo tập quán ở quê tôi, bữa cơm ngày cuối năm, ngoài thịt kho tàu thì khổ qua cũng là món ăn cần có. Bởi quan niệm “ăn trái khổ qua cho qua đi cái khổ”.
Giúp chị đưa bánh tét vào nồi nấu.
Ngày cuối năm, hằng sâu trong ký ức của tôi còn là hình ảnh bà con xóm giềng cùng nhau gói bánh tét! Bác Hai hàng xóm nói: “Bánh tét không chỉ đơn thuần là món ăn ngon trong ngày tết mà nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự phồn thực, về tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó”.
Đêm đến, người lớn trong nhà đàm đạo chuyện đời bên tách trà nóng. Con nít xúm xít ngồi canh lửa nồi bánh tét, chờ đón giao thừa.
Bánh chín vừa đúng cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong cái không khí se lạnh của đêm xuân, làn hơi nhẹ mỏng, thơm lừng tỏa ra từ những đòn bánh tét như phả vào lòng người hơi ấm.
Sau lễ cúng giao thừa, tiếng pháo nổ rền vang khắp xóm làng như báo hiệu bắt đầu năm mới.
Ba ngày tết được xem là trọng đại nhất trong năm. Những phong tục cổ truyền mang tính lễ nghi, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, như “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, người dân quê tôi luôn ghi nhớ.
Sáng mồng một tết, bà con quê tôi chọn người hợp tuổi, có đức tính tốt để nhờ “xông nhà lấy hên”. Trẻ con mặc đồ mới chúc tết ông bà, nhận lì xì mừng tuổi.
Đoàn đi chúc tết.
Một nét văn hóa rất đặc trưng của quê tôi đó là phong tục lễ gia tiên. Sáng mồng một, các nam thanh nữ tú ăn mặc chỉnh tề, tươm tất cùng với một người lớn tuổi làm đại diện đi chúc tết bà con, hàng xóm. Đoàn chúc tết thường có từ 8-10 người, được tuyển chọn theo tiêu chí “mặt mũi sáng láng, ăn nói có duyên, biết lễ nghĩa và phải là những thanh niên chưa thành gia lập thất”.
Bất kể giàu nghèo, nhà nào đoàn chúc tết cũng ghé qua chừng 5-10 phút. Việc đầu tiên, người đại diện sẽ cùng chủ nhà thắp nhang bàn thờ gia tiên, sau đó các thanh niên sẽ hành lễ trước bàn thờ. Xong, mọi người cùng gia chủ dùng bánh mứt, uống tách trà đầu năm. Người đại diện của đoàn sẽ gửi đến chủ nhà lời chúc phúc. Gia chủ đáp lễ bằng một bao lì xì đỏ hoặc chỉ là đòn bánh tét. Lễ, lộc đầu năm với những điều giản dị nhưng thắm đượm nghĩa tình.
Trẻ con thích thú xem múa lân.
Trưa mùng một nắng vàng như trải mật. Đoàn lân xập xình qua các nẻo đường quê. Trong nhà, ngoài ngõ, già, trẻ, gái, trai đều háo hức đón xem múa lân, chờ đoàn lân vào nhà ban phúc lành năm mới.
Theo quan niệm dân gian, con lân biểu trưng cho sự thịnh vượng, thanh bình, may mắn. Còn ông địa bụng phệ, tay cầm chiếc quạt lá, miệng cười rộng toét là biểu tượng của sự tươi vui, lạc quan, trù phú. Với ý nghĩa đó nên từ xưa dân gian có câu: “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”.
Tết quê xưa đọng lại trong tôi còn là hình ảnh các bậc trung niên, lão làng quây quần bên mâm rượu, thịt. Họ chơi đờn ca tài tử và cùng “chén chú, chén anh” cho thỏa tình hàng xóm. Chị em phụ nữ cũng góp mặt vừa nghe ca hát, vừa tranh thủ hàn huyên. Bà con vui tết mộc mạc, giản đơn nhưng đâu đó hiện lên một góc không gian văn hóa đặc trưng của cư dân Nam bộ.
Chơi ca tài tử dịp tết.
Không khí rộn ràng của ngày tết được kéo dài đến mùng 7 và lai rai đến hết tháng giêng. Thật đúng với hai từ “ăn tết”. Bởi một năm làm lụng vất vả, ngày tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi thư giãn, tái tạo sức lao động để khi hết tết, ai nấy lại trở về với công việc của mình. Về ý nghĩa tâm linh, việc ăn tết đủ đầy như thế với ngụ ý cầu mong được một năm mới ấm no, sung túc.
Ai đã từng trải qua những cái tết quê xưa mới thẩm thấu được ý nghĩa trong ngày tết cổ truyền của người dân Việt. Tết không chỉ đơn thuần là dịp để mọi người vui chơi, nghỉ ngơi, mà tết còn là lễ hội mang đậm bản sắc và bề dày văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt. Bởi những phong tục trong ngày tết luôn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự gắn kết cộng đồng, của tình bạn bè thân hữu và lòng hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, cha mẹ.
Nay, đã trải qua nhiều thập kỷ, cái chất của ngày tết Việt cũng nhạt dần theo sự phát triển của thời đại mới. Nhưng với tôi, những phong tục truyền thống tốt đẹp của tết quê xưa vẫn tồn tại mãi trong tâm thức.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: