12/02/2024 15:40
Mặc bộ quần áo mới vừa được phát, bà Khưu Thị Lý (85 tuổi) nói: “Ngày 28 tết tôi khai trương bộ đồ này, còn bộ đồ có bông màu vàng tôi mặc mùng 1 tết. Đồ mới được may đúng kích cỡ, vải mềm, mát, mặc rất thích. Ở đây, tôi được chăm sóc đầy đủ, chu đáo, tết có đồ mới và nhiều món ăn ngon”.
Đây là năm thứ ba bà Lý đón tết ở trung tâm. Cha mẹ mất đã lâu, bà không có con, sống một mình, làm nghề buôn bán ở chợ Thứ Mười Một, huyện An Minh (Kiên Giang). Năm 2020, sức khỏe bà yếu hơn, thường xuyên bị bệnh không ai chăm sóc nên chính quyền địa phương đăng ký cho bà vào trung tâm. Từ ngày vào ngôi nhà chung này, bà Lý không còn thấy cô đơn khi tết đến, xuân về.
Viên chức Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang thử quần áo mới cho trẻ mồ côi ở trung tâm.
Bà Trương Thị Cúc (bìa phải) cùng các bà cùng phòng quây quần trò chuyện, ăn mứt tết.
Bà Trương Thị Cúc (82 tuổi) quê ở xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có 20 năm đón tết ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang. Sau khi chồng mất, bà Cúc bán hết đất và nhà rồi rời TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trở về quê mẹ. Người thân ở quê không còn ai, bà sống một mình, năm 2003 xin vào trung tâm. Sống ở trung tâm bà như có thêm gia đình mới.
Chia bánh, mứt cho các bà cùng phòng ăn, Bà Cúc nói: “Ở đây vui hơn ở nhà vì có nhiều chị em, bạn bè và các cháu nhỏ. Cán bộ, viên chức trung tâm và các cháu xem chúng tôi như ông bà, cha mẹ. Thỉnh thoảng tôi được các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện đến thăm, động viên, tặng quà”.
Người già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang cùng ăn cơm ngày tết.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang hiện là nơi cưu mang hơn 240 người già neo đơn, người khuyết tật, tâm thần và trẻ em mồ côi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là không có nơi để ở và không còn người thân để nương tựa.
Dù không được quây quần bên gia đình, người thân dịp Tết Nguyên đán nhưng các đối tượng tại trung tâm luôn thấy ấm áp vì được cùng ăn cơm tết trong sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, viên chức.
Chị Nguyễn Kim Chi - viên chức trung tâm chia sẻ: “Gắn bó với trung tâm gần 25 năm, từ lâu tôi xem đây là nhà mình. Mỗi dịp tết, chúng tôi chuẩn bị nhiều hoạt động vui xuân, đón tết, dọn dẹp, trang trí khuôn viên, tạo không khí tết ấm áp. Chúng tôi mua sắm, cấp phát quần áo, giày dép mới, chuẩn bị bánh, mứt, các món ăn ngày tết cho các cụ, các em không cảm thấy thiệt thòi”.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn cho biết năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn và trung tâm đang trong quá trình sửa chữa nên các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện ít đến trung tâm hơn những năm trước. Dù điều kiện còn khó khăn nhưng trung tâm luôn cố gắng chăm lo cho các đối tượng một cái tết ấm áp, đầy đủ nhất.
Ngoài những hỗ trợ theo quy định, trung tâm tổ chức nhiều hoạt động vui tết như chợ xuân 0 đồng, chương trình văn nghệ mừng xuân; các hoạt động vui chơi, giải trí, kết nối với các nhóm thiện nguyện đến giao lưu với các đối tượng.
“Từ 29 tháng chạp đến mùng 3 tết, trung tâm trích nguồn quỹ từ thiện để hỗ trợ chế độ ăn uống cho các đối tượng từ 48 ngàn đồng/người/ngày lên 100 ngàn đồng/người/ngày. Trung tâm phân công tất cả các bộ phận từ lãnh đạo, bảo vệ đến cán bộ y tế, hộ lý trực tết đảm bảo cho các đối tượng vui tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm”, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn cho biết.
Những ngày tết ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang tuy không rộn ràng, nhộn nhịp, nhưng những mảnh đời bất hạnh nơi đây đón tết trong không khí ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: