12/01/2023 21:21
Từ ngày 12 đến 17 tháng chạp, các chủ vườn mai lớn tất bật thuê nhân công lặt lá mai, giúp nhiều lao động có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Huỳnh Anh - chủ vườn mai Quốc Anh, đường Lâm Quang Ky, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) cho biết “Vườn của tôi có gần 500 gốc mai, gần tết tôi thuê khoảng 20 người lặt lá mai, trả tiền công 30.000 đồng/giờ, trung bình mỗi người làm việc từ 8-10 giờ, thu nhập từ 240.000-300.000 đồng/ngày”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) có hơn 3 năm làm nghề lặt lá mai thuê chia sẻ: “Khi lặt lá mai tôi cẩn thận để không làm gãy các cành, nhánh có nụ hoa nhỏ. Tôi lặt kỹ nên năm nào chủ vườn cũng thuê. Lặt lá mai tuy mệt mà vui, chúng tôi vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Đây là việc làm thời vụ giúp tôi có chi phí để mua sắm cho gia đình dịp tết”.
Công việc lặt lá mai thuê thu hút nhiều lao động thời vụ.
Khoảng 10 ngày trước tết là thời gian nhiều gia đình bắt đầu dọn dẹp, mua sắm, trang trí nhà cửa. Nhiều gia đình mang lư đồng đánh bóng để trang trí bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính. Đây là thời điểm giúp người thợ kiếm tiền những ngày giáp tết.
Để bộ lư đồng sáng bóng phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn đánh bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm và tay nghề. Đối với những bộ lư cầu kỳ, nhiều họa tiết không thể đánh bóng bằng máy, người thợ phải lau chùi tỉ mỉ, mất nhiều thời gian mới xong.
Tuy là việc làm thời vụ, mỗi năm làm vài ngày nhưng làm nghề này phải có uy tín, bộ lư giao đến khách phải sáng, có độ bền sau khi được đánh bóng để mỗi khi đến dịp tết khách lại tìm đến. Anh Can Lữ thợ đánh bóng lư đồng trên đường Nguyễn Hùng Sơn, phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) cho biết: “Gần tết, nhiều gia đình mang lư đồng đánh bóng. Mỗi ngày tôi đánh bóng 4 bộ lư đồng, tiền công từ 200.000-800.000 đồng/bộ tùy kích cỡ và chi tiết của bộ lư. Vào những ngày đông khách, tôi phải làm từ sáng sớm đến tối muộn mới kịp giao lư đồng cho khách”.
Việc bán online những món ăn nhà làm mang lại thu nhập khá cho người lao động dịp tết. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng dịp tết sẽ tìm mua dưa kiệu, cà pháo, dưa món, gia đình bà Lương Thị Kiều Thuận, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) làm nhiều món ăn để bán dịp tết.
Những ngày này, gia đình bà Thuận chuẩn bị dưa kiệu, dưa hành, dưa món, tỏi... và các loại bánh mứt để bán cho khách. Dưa kiệu là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các bữa ăn của nhiều gia đình ngày tết, được nhiều khách hàng đặt làm trước.
Anh Can Lữ đánh bóng lư đồng để kịp giao cho khách.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - con gái bà Thuận giúp mẹ đăng hình ảnh món ăn lên Facebook và các hội nhóm bán hàng. Tại bếp nhà bà Thuận, những keo dưa kiệu được xếp gọn lên kệ sẵn để kịp giao cho khách.
“Năm nào cũng vậy, gần tết gia đình tôi tất bật làm dưa kiệu để giao cho khách, mỗi ngày tôi giao từ 20-30 keo dưa kiệu, giá 140.000 đồng/keo. Tôi quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Dưa kiệu có màu trắng tự nhiên, không dùng chất bảo quản, dưa có độ giòn, thơm nồng mùi kiệu nên được khách hàng thích, từ đó dưa kiệu của tôi được họ tin dùng mua về ăn và làm quà tặng”, bà Thuận chia sẻ.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Ngày 11-10, Trường Đại học Kiên Giang tổ chức khai giảng năm học 2024-2025. Đến nay, trường có 1.830 tân sinh viên hệ chính quy nhập học, nâng quy mô toàn trường năm học 2024-2025 lên 7.000 sinh viên theo học 25 ngành đào tạo.
Tổng số lượt truy cập: