05/10/2021 17:03
Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, tọa lạc trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá. Về kiến trúc, đình được khởi dựng năm 1869 sau khi cụ mất, lúc đầu chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do dân chài dựng lên để thờ thần Nam Hải (Cá voi).
Ngày nay, ngôi đình khang trang, uy nghiêm nằm yên ả bên bờ sông Kiên, gần cửa biển Rạch Giá. Đình gồm chính điện, đông lang và tây lang. Điện thờ chính có vật dụng thường thấy trong các ngôi đình Nam bộ.
Tại đình còn lưu giữ nhiều kỷ vật, hiện vật về thân thế, sự nghiệp, chiến công lừng lẫy của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đình là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về người không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc trước giặc ngoại xâm.
Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực nằm bên bờ sông Kiên, TP. Rạch Giá.
Năm 2019, hơn 1,2 triệu lượt khách thập phương về dự lễ hội kỷ niệm 151 năm hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Từ khắp nơi, bà con mang theo sản vật quê hương tề tựu về đây để dâng hương, tỏ lòng tri ân, thành kính và cùng nhau tổ chức thành công lễ hội. Sau lễ, hàng chục tấn gạo, rau, củ, nhu yếu phẩm… được quyên góp cho các trường học, trại trẻ mồ côi, bếp ăn tình thương nhằm chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, người dân đồng bằng sông Cửu Long xem Nguyễn Trung Trực như vị thần có công lớn với đất nước. Ngư dân Kiên Giang tin Nguyễn Trung Trực là vị thần che chở họ lúc mưa to sóng lớn, phù hộ cho họ được chuyến đi biển trĩu nặng cá tôm nên người dân sùng bái.
Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cùng hệ thống di sản Kiên Giang là tài nguyên quý giá không chỉ là nguồn tư liệu để giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ mà còn phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, nhất là thu hút khách du lịch tham quan. Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1988.
Với nét độc đáo của lễ hội Nguyễn Trung Trực, tỉnh Kiên Giang lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội tiêu biểu của Kiên Giang, đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng và nâng cấp lễ hội Nguyễn Trung Trực trở thành lễ hội quốc gia. |
Bên trong khuôn viên đình Nguyễn Trung Trực có phòng thuốc nam miễn phí được thành lập từ năm 1989. Theo Ban bảo vệ di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, mỗi năm phòng thuốc phát miễn phí cho bà con nửa triệu thang thuốc, châm cứu chữa bệnh cho trên 10.000 người. Người dân chữa bệnh ở phòng thuốc nam không mất tiền. Nhiều người chữa khỏi bệnh rồi đến làm công quả phục vụ phòng thuốc... Hiện ngoài phòng thuốc nam khám và cấp thuốc miễn phí, ban bảo vệ di tích còn đưa vào hoạt động thêm khoa điều trị vật lý trị liệu tác động cột sống.
Bà Nguyễn Gia Hân, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cho biết: “Tôi thường đến đình làm công quả cùng cháu nội vào mỗi sáng và tôi xem đó là cách để tri ân cụ Nguyễn. Những lúc xong việc, tôi kể cho cháu nghe về cụ Nguyễn, cháu rất thích. Năm nay lẽ ra chúng tôi dự định đến đình làm công quả dịp lễ nhưng do dịch, lễ hội không tổ chức, chúng tôi hẹn năm sau…”.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: