28/08/2020 17:55
Có mặt tại Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX, tôi gặp đoàn Trường Đại học Kiên Giang đang nghe giới thiệu về những tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây. Tại khu trưng bày các mô hình chiến sĩ và chứng tích chiến tranh thu thập từ thời chiến, Thượng úy Trần Tường Vi - cán bộ Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX đang thuyết trình từng chứng tích.
Nghe Thượng úy Trần Tường Vi thuyết trình, không ít người lặng im, xúc động. Sinh viên Nguyễn Thúy Diễm - Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Kiên Giang chia sẻ: “Đến thăm khu di tích, nghe giới thiệu và tìm hiểu những chứng tích lịch sử này, chúng em càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh, hun đúc lòng yêu nước và rèn luyện bản lĩnh, ý chí, tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương”.
Dẫn tôi đến đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh, Trung tá Trần Văn Tiến - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX cho biết: “Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX là nơi nêu cao phẩm chất cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu và trưởng thành trong máu lửa chiến trường khốc liệt của cha anh, góp phần quan trọng cho Chiến dịch Mùa xuân năm 1975 mang tên Bác. Do đó, từ khi khánh thành đưa vào hoạt động đến nay, Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX thu hút nhiều khách đến tham quan, chủ yếu là đoàn của các trường, cơ quan, đơn vị tổ chức về nguồn. Từ năm 2015 đến tháng 12-2019, khu di tích lịch sử này đón 595 đoàn với trên 77.972 lượt khách đến tham quan”.
Theo Trung tá Trần Văn Tiến, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Kiệt và một số đồng chí lão thành cách mạng xây dựng lại cơ sở, gây dựng lại phong trào tại nơi đây. Từ đó, U Minh Thượng là căn cứ cách mạng của Liên Tỉnh ủy miền Tây (sau này được đổi tên là Khu Tây Nam bộ, tức Khu IX), Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, là nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá.
Các tình nguyện viên chương trình “Hành trình đỏ” năm 2019 của tỉnh về nguồn thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Khu Di tích lịch sử An ninh khu IX.
Trong kháng chiến, người dân U Minh Thượng bất khuất, cần cù lao động, sản xuất, đóng góp sức người và của, bảo vệ cách mạng, nhất là bảo vệ an toàn cơ quan đầu não cách mạng các cấp đóng trên địa bàn. Tại đây, lãnh đạo Khu ủy Khu IX và Tỉnh ủy Rạch Giá đã bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ trong rừng, trong lòng dân để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang cùng nhân dân trên địa bàn tiến hành cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn giải phóng tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) nói riêng và Khu IX, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Rời Khu Di tích lịch sử An ninh Khu IX giữa cái nắng ban trưa, những hình ảnh của các chiến sĩ gian khổ, hy sinh cứ ùa về trong tâm trí. Những hình ảnh này sẽ là động lực, niềm tin cho nhiều thế hệ sau này phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chiều 12-9, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kiên Bình 1, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã diễn ra chương trình "Vui hội trung thu - Lồng đèn thắp sáng ước mơ". Tại chương trình có 200 phần quà gồm lồng đèn, bánh kẹo, sữa đã được trao cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Tổng số lượt truy cập: