02/06/2021 08:55
Mặc trang phục không lịch sự tại lễ hội có thể bị phạt tới 500.000 đồng: Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1-6-2021. Khoản 1, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đối với các quán karaoke, nếu mở cửa ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày sẽ bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng; đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Nghị định này có nhiều quy định đáng chú ý về hoạt động quảng cáo trên truyền hình. Cụ thể phạt từ 50 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo trong chương trình thời sự; quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình…
Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: Từ ngày 1-6-2021, Nghị định 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm có hiệu lực. Nghị định này quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bao gồm: Dữ liệu cơ bản cá nhân (họ, chữ đệm và tên khai sinh, năm sinh); nhóm thông tin về hộ gia đình (mã hộ gia đình, địa chỉ...); các nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ ngày 1-6-2021, Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3, Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bắt đầu có hiệu lực. Trong ảnh: Người lao động đến liên hệ được tư vấn, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang. Ảnh: MI NI
Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải tối đa 3 tháng: Nội dung này được quy định tại Thông tư 07/2021/TT-BGTVT, ngày 8-4-2021 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo thông tư này, thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải tối đa 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa 4 tháng. Thời hạn giám định này có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên.
Thông tư 07/2021/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 1-6-2021 và thay thế Thông tư 33/2014/TT-BGTVT. Điều kiện cấp giấy phép của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm: Ngày 1-6-2021 cũng là thời điểm Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3, Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bắt đầu có hiệu lực. Điều 14 nghị định này quy định rõ các điều kiện cấp giấy phép của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Cụ thể phải có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; không thuộc một trong các trường hợp sau đây: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm; có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 24 tháng trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
MINH KHANG
(KGO) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đã có nhiều việc làm thiết thực như ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau bão, lũ.
Tổng số lượt truy cập: