15/07/2021 15:01
SỨC MUA TĂNG 30-40%
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều ngày 13-7, ngay sau khi có quyết định giãn cách xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh, số lượng người đi mua hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tăng nhiều. Người dân chủ yếu mua các loại hàng hóa như rau, củ, quả, thịt, cá, trứng... Các mặt hàng như mì gói, gia vị, bánh ngọt, trái cây cũng được lựa chọn nhiều trong giỏ hàng. Đang mua rau, củ, quả tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá, bà Trần Thị Thanh, ngụ số 20 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) cho biết: “Chợ vẫn đầy hàng, giá một số rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống tăng giá. Dù biết hàng hóa không thiếu, nhưng vì giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài nên tôi mua đủ gia đình ăn trong 2-3 ngày”.
Đến sáng ngày 14-7, tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, hàng hóa vẫn dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, lượng người đi chợ giảm so với chiều ngày 13-7. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó ban Quản lý Trung tâm Thương mại Rạch Giá cho biết: “Chiều 13-7, do có thông tin tỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 14-7 nên lượng người dân đến Trung tâm Thương mại Rạch Giá mua hàng hóa tăng khoảng 30-40% so với ngày trước đó, lượng tăng chủ yếu tập trung tại khu chợ nông hải sản. Các mặt hàng được người dân mua nhiều là thịt, cá, trứng, rau, củ, quả. Đến sáng ngày 14-7, lượng người đi chợ vẫn đông nhưng ít hơn chiều ngày 13-7”.
Người dân mua dưa leo tại chợ nông sản Trung tâm Thương mại Rạch Giá.
Tại TP. Hà Tiên, đồng chí Lý Thái Hưng - Trưởng Phòng Kinh tế TP. Hà Tiên cho biết, do chiều ngày 12-7 tại TP. Hà Tiên có 3 ca dương tính với virus SARS CoV-2 ngoài cộng đồng nên lượng người dân mua hàng hóa tại chợ và siêu thị tăng mạnh. Chiều ngày 13-7, khi có quyết định giãn cách xã hội 17 ngày thì người dân tiếp tục mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tăng 30-40% so các ngày trước. Theo đồng chí Lý Thái Hưng, các mặt hàng tại siêu thị ổn định giá, còn tại chợ truyền thống giá tăng từ 15-20% đối với rau, củ, quả, thịt, trứng và thủy, hải sản tươi sống. Đến sáng ngày 14-7, lượng người đi chợ, siêu thị vẫn tăng so ngày thường nhưng ít hơn hai ngày trước đó.
Tại Co.opmart Kiên Giang, sáng ngày 14-7, lượng hàng hóa đầy kín các kệ hàng với đa dạng các sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu mới được bổ sung để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như rau, củ, quả, hàng tươi sống, thực phẩm. Khoảng một tuần gần đây, Co.opmart Kiên Giang chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tập trung vào các nhu yếu phẩm, dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với bình thường và cam kết không tăng giá. Bà Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Kiên Giang cho biết: “Ngoài lượng hàng dồi dào từ các đối tác ngoài tỉnh, Siêu thị Co.opmart Kiên Giang còn tranh thủ nguồn hàng từ các nhà cung cấp tại các địa phương trong tỉnh. Do đó, đảm bảo hàng hóa luôn dồi dào, giá cả bình ổn phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống dịch bệnh”.
LUÔN CÓ SẴN HÀNG HÓA
Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng các kịch bản chi tiết đáp ứng với 4 cấp độ cung ứng hàng hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện Sở Công thương làm việc với các đối tác, đơn vị cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị này đã triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ cũng như cung ứng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa đủ cung ứng trong mọi tình huống”.
Người dân chọn mua cá tại Trung tâm MM Mega Market Rạch Giá.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, từ ngày 13-7 đến nay, sức mua hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng 30-40%, tại một số chợ truyền thống có tình trạng tiểu thương lợi dụng việc này tăng giá. Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Công thương đề nghị Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công thương, các đội quản lý thị trường phối hợp địa phương tăng cường giám sát hệ thống phân phối, đặc biệt là tại các chợ truyền thống trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch để găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết, nhất là hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Hàng hóa tại các chợ truyền thống dồi dào, giá tăng từ 15-20%. Trong ảnh: Người dân lựa rau, củ, quả tại một gian hàng tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các chợ và hệ thống phân phối trên địa bàn đảm bảo kịp thời cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chủ động thực hiện tốt trong mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 136 chợ truyền thống đang hoạt động, 8 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 138 cửa hàng tiện lợi. Các nhà cung cấp thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa đối với các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; sẵn sàng cung ứng hàng hóa hỗ trợ các xã biên giới, xã đảo khi xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa; chủ động nguồn hàng hóa, điều tiết trong nội bộ hệ thống, lưu trữ hàng hóa tại các điểm bán hàng và các kho bố trí nhân lực, phương án vận chuyển, giao nhận hàng hóa, phối hợp với các địa phương để bán, phân phối cho nhân dân.
Người dân mua rau, củ, quả tại Siêu thị Co.opmart Rạch Giá.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, yên tâm, không lo thiếu hàng, điều quan trọng là luôn chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Cầu sắt bắc qua sông Giang Thành nối liền tổ 3 và tổ 8 thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Cầu dài 132,66m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, độ cao thông thuyền 6m, mức đầu tư trên 18,5 tỷ đồng.
Tổng số lượt truy cập: