12/01/2023 14:50
Vợ chồng ông Trương Quốc Minh và bà Huỳnh Thị Minh Hiệp giới thiệu về hình ảnh người nuôi chứa vợ chồng ông trong kháng chiến.
Ông Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình có bốn anh em, nhà không ruộng đất, cuộc sống gia đình khó khăn. Gia đình có truyền thống cách mạng nên ông Minh một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Năm 15 tuổi, ông Minh tình nguyện tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm giao liên tại xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Vượt qua khó khăn, gian khổ, ông luôn làm tròn nhiệm vụ do tổ chức giao.
Năm 1951, ông Minh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, với 6 năm vào tù ra khám, hòa bình ông tham gia công tác tại địa phương, đến năm 1987, ông Minh xin nghỉ hưu.
Nhằm tri ân người nuôi chứa mình lúc tham gia kháng chiến và anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì đất nước, năm 2017, ông Minh xây dựng nhà truyền thống. Kinh phí xây nhà được ông tích lũy từ đồng lương ít ỏi gần chục năm.
Việc làm này xuất phát từ lòng biết ơn Đảng và nhằm tưởng nhớ công ơn những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ông Minh. Ngôi nhà vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. “Xây nhà truyền thống là tâm nguyện của tôi. Từng tham gia kháng chiến, hiểu rõ sự hy sinh của đồng đội nên tôi muốn làm điều gì đó cho họ”, ông Minh nói.
Nhà truyền thống và tri ân được ông Minh xây dựng khang trang, kiên cố ở sau sân nhà và trong nhà là hình ảnh, danh tính cụ thể những người đã hy sinh vì cách mạng. Bức tường chính diện, ông Minh trưng bày ảnh Bác Hồ, hai bên là ảnh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kế đó là hình ảnh tôn vinh 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, danh tính 30 liệt sĩ. Bức tường thứ 3 ông treo di ảnh của 39 người cha, người mẹ có công nuôi chứa vợ chồng ông tránh khỏi mưa bom, lửa đạn của quân thù. Bức tường còn lại dành để tri ân những người thầy và bạn bè giúp đỡ ông.
“15 tuổi tôi tham gia kháng chiến và trải qua hai lần tù. Nhờ các gia đình, nhân dân nuôi chứa tôi mới sống đến hôm nay. Để nhớ ơn họ, tôi dùng tiền tích lũy từ lương hưu để xây nhà truyền thống. Tôi dặn con cháu thường xuyên giữ gìn, tu sửa, không được bán nhà truyền thống và tri ân này”, ông Minh nói.
Những hộ gia đình giúp ông Minh trong kháng chiến hiện người còn, người mất do đó, bên cạnh việc tổ chức họp mặt ôn lại kỷ niệm năm xưa hay xây mộ cho người đã mất, ông Minh còn sưu tầm di ảnh chủ hộ treo ở nhà truyền thống và tri ân với lòng tôn kính. “Mọi người không chỉ nuôi tôi bằng cơm, cá mà còn đánh đổi bằng tính mạng vì nếu địch phát hiện nuôi chứa cách mạng sẽ bị tù đày hoặc bắn chết. Giờ các gia đình tứ tán nên tôi tìm di ảnh rất khó”, ông Minh chia sẻ.
Tuổi thanh xuân hiến dâng cho cách mạng để góp phần giành lại độc lập, tự do cho đất nước, về già ông Minh tiếp tục nêu gương sáng trong dạy con cháu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, không chỉ những ngày lễ, tết mà những ngày thường nhà truyền thống và tri ân của ông Minh luôn nghi ngút khói hương, thể hiện sự tôn kính của ông đối với người có công với nhân dân và đất nước.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Cầu sắt bắc qua sông Giang Thành nối liền tổ 3 và tổ 8 thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Cầu dài 132,66m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, độ cao thông thuyền 6m, mức đầu tư trên 18,5 tỷ đồng.
Tổng số lượt truy cập: