Báo Kiên Giang Báo Kiên Giang
  • Video
  • Podcast
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Giải trí
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới

Trang chủ Xã hội

Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên

Muôn kiểu lừa bán đất, thế chấp quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả

06/07/2021 11:15

Những năm qua, giá đất ở TP. Phú Quốc liên tục tăng, nhiều người muốn mua đất đầu tư mua, bán để sinh lời. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng lừa đảo bằng cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó mang đi thế chấp hoặc chuyển quyền sử dụng cho người khác. Hậu quả là người lừa đảo vào tù, còn bị hại thì không biết đến bao giờ mới đòi được tiền.

CÁC CHIÊU TRÒ LÀM GIẢ

Bằng cách làm giả chữ ký trưởng ấp về giấy xác nhận nguồn gốc đất và thành quả lao động, chữ ký công chứng viên và scan chữ ký, con dấu của ấp, phòng công chứng, Nguyễn Văn Dũng (53 tuổi), ngụ huyện Hòn Đất có giấy xác nhận hàng chục hécta đất ở TP. Phú Quốc.

Theo đó, từ tháng 10-2018 đến ngày 23-6-2019, Dũng kêu Trần Thanh Ngoan (36 tuổi), ngụ huyện Giồng Riềng, là người làm thuê cho Dũng làm giả giấy xác nhận nguồn gốc đất và thành quả lao động trên đất. Dũng hứa với Ngoan nếu làm được thì mỗi giấy Dũng cho Ngoan 5 công đất, tiền công đi lại làm giấy Dũng trả.

Sau khi bàn bạc xong, Ngoan đem tài liệu, giấy tờ do Dũng cung cấp, đến tiệm chụp hình của Lê Trường Giang ở phường Dương Đông (TP. Phú Quốc) để thuê Giang làm giả chữ ký trưởng ấp, chữ ký công chứng viên và scan chữ ký, con dấu của ấp, phòng công chứng... Mỗi giấy làm giả, Ngoan trả cho Giang từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Tháng 10-2018, Dũng kêu Ngoan đi làm giả giấy xác nhận nguồn gốc đất, thành quả lao động thửa đất ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, diện tích 23ha do Dũng đứng tên ghi ngày 15-2-2008, có mộc dấu vuông giả, chữ ký giả của trưởng ấp Suối Đá. Cũng với “chiêu” tương tự, tháng 11-2018, Dũng kêu Ngoan đi làm giả đơn xin xác nhận thành quả lao động trên đất, thửa đất ở ấp Suối Mây, xã Dương Tơ với diện tích 27ha do Dũng đứng tên ghi ngày 20-10-2002.

Đối với Trần Thị Oanh (sinh năm 1982), ngụ TP. Phú Quốc, việc làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì “dễ ợt”. Thông qua mạng xã hội Zalo, Oanh liên hệ với 3 người đàn ông nhận làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả chỉ từ 12-13 triệu đồng/giấy. Oanh lên diễn đàn mua bán đất Phú Quốc trên mạng xã hội Facebook, lấy thông tin về những miếng đất đang được rao bán, kết hợp với họ tên, địa chỉ của Oanh rồi cung cấp cho người làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Khi làm xong, các đối tượng chuyển qua đường bưu điện cho Oanh, sau đó Oanh sẽ chuyển tiền trả.

NHIỀU NGƯỜI SẬP BẪY

Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy xác nhận nguồn gốc đất, thành quả lao động giả, các đối tượng sử dụng đủ kiểu để lừa đảo. Bị hại thường là những người muốn đầu tư đất ở TP. Phú Quốc hoặc người làm nghề nhận thế chấp tài sản, giấy tờ đất kiếm lợi nhuận.

Như đã nêu trên, khi có giấy xác nhận nguồn gốc đất và thành quả lao động giả, Nguyễn Văn Dũng thông qua môi giới bán cho bà Tr.T.H, ngụ TP. Hồ Chí Minh thửa đất diện tích 25 công (25.000m2) với giá 1,25 tỷ đồng. Thông qua môi giới khác, Dũng tiếp tục bán cho chị Ph.T.T.Ng, ngụ TP. Phú Quốc tổng cộng 6.000m2 với giá 1,2 tỷ đồng. Dũng nhận tiền trước của chị Ng 350 triệu đồng tiêu xài cá nhân thì bị phát hiện. 

Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai tại Tòa án nhân dân tỉnh.

Đối với Trần Thị Oanh, sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “lượm trên mạng” đã mang đi thế chấp cho nhiều người. Từ ngày 15-4-2019 đến 15-2-2020, Oanh làm 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, trong đó mang 12 giấy đi thế chấp cho 6 người ở TP. Phú Quốc để vay tiền với lãi suất từ 3-5%/tháng để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Bà Ng.T.M.T, ngụ TP. Phú Quốc cho rằng với cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy, người dân khó phát hiện được vì có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền.

Thông qua việc kinh doanh mua bán bất động sản, Nguyễn Công Trung (sinh năm 1978), ngụ tỉnh Tiền Giang quen biết ông C.V.B (sinh năm 1961), ngụ TP. Phú Quốc. Trước đây, ông B có 2ha đất ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ. Khi Nhà nước thu hồi diện tích đất này để phục vụ cho việc quy hoạch khu tái định cư tại ấp Suối Lớn, ông B đã được hỗ trợ bồi thường tiền thiệt hại hoa màu, giải tỏa gần 310 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi nhận tiền xong, ông B thấy nhiều hộ khác tái bao chiếm đất đã bị thu hồi nên cũng vào khu đất này tiếp tục khai thác, sử dụng. Năm 2018, ông B đã làm hợp đồng ủy quyền thửa đất này cho Trung.

Sau khi được ông B đã làm hợp đồng ủy quyền thửa đất có diện tích 6.000m2, ngày 1-4-2018, Trung thỏa thuận với ông M.X.V, ngụ tỉnh Bình Dương ký hợp đồng mua bán thành quả lao động gắn liền với đất, giá 12 tỷ đồng. Ký hợp đồng xong, ông V đã thanh toán cho Trung 3,3 tỷ đồng. Số còn lại, sau 9 tháng ông V sẽ thanh toán khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V đứng tên.

“Tuy nhiên, hết thời hạn theo thỏa thuận, Trung không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho tôi. Do đó, tôi đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Phú Quốc tra cứu thì biết thửa đất trên nằm trong khu vực đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý, không được mua bán. Sau đó, tôi nhiều lần yêu cầu Trung trả lại 3,3 tỷ đồng nhưng Trung không có khả năng thanh toán và bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt số tiền này”, ông M.X.V cho biết. 

Với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên, Tòa án nhân dân tỉnh vừa tuyên phạt Nguyễn Công Trung 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Trần Thị Oanh 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Văn Dũng 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Nhận định về loại tội phạm này, thẩm phán Trương Ngọc Hồng - Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Đây là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội. Các đối tượng trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu, giấy tờ; xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân trái pháp luật, gây tâm lý bức xúc cho những bị hại và gây mất trật tự, trị an ở địa phương”.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Tin cùng mục

Đoàn từ thiện Kiên Giang chung một tấm lòng tặng 500 suất quà tại tỉnh Gia Lai

Đoàn từ thiện Kiên Giang chung một tấm lòng tặng 500 suất quà tại tỉnh Gia Lai

261 trường hợp nhận bồi thường từ dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn

(KGO) - Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đi qua địa bàn huyện An Biên (Kiên Giang) đang được các đơn vị triển khai, trong đó công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đạt kết quả tích cực. Đến tháng 6-2025, toàn huyện An Biên đã chi trả bồi thường cho 261/305 trường hợp, với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

  • Ký ức Công nông “ăn cơm bông cỏ”, bán hàng “chợ đen”
    Ký ức Công nông “ăn cơm bông cỏ”, bán hàng “chợ đen”
  • Bàn giao 5 căn nhà nghĩa tình đồng đội
    Bàn giao 5 căn nhà nghĩa tình đồng đội
  • Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, khu vực Kiên Giang có mưa dông nhiều nơi
    Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, khu vực Kiên Giang có mưa dông nhiều nơi
  • Thời tiết Kiên Giang trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025
    Thời tiết Kiên Giang trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025

Tin nổi bật

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Sức mạnh của đoàn kết

Sức mạnh của đoàn kết

  • Ẩm thực
  • Chính trị
  • Nông thôn mới
  • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Phóng sự - Ghi chép
  • Thời trang
  • Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Xã hội
  • Bạn đọc
  • Tinh gọn bộ máy
  • Văn hóa - Giải trí
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Quốc phòng - An ninh
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới
  • Truyện ngắn
Media Báo in
  • Theo dõi báo Kiên Giang trên
  • Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Kiên Giang
  • Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Kiên Giang
  • Toà soạn: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Rạch Giá, tỉnh An Giang
  • Điện thoại: 0297.3899008 - Email: toasoan@baokiengiang.vn.
  • © 2021 Bản quyền thuộc về Báo Kiên Giang
  • Liên hệ quảng cáo: 0297.3949460. - Fax: 0297.3877518
  • Giấy phép số 60/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 25/01/2022 
  • Ghi rõ nguồn khi phát hành thông tin tại website này.

Tổng số lượt truy cập: