14/07/2022 13:44
Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều diện tích lúa hè thu 2022 đang trong giai đoạn trổ chín, gần tới ngày thu hoạch tại nhiều huyện như Châu Thành, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Hòn Đất… bị đổ ngả, ngập úng cục bộ, có nguy cơ mất trắng nếu thời tiết tiếp tục có mưa, dông.
Lúa hè thu 2022 bị đổ ngả, ngập úng tại xã Mong Thọ B, huyện Châu
Thành (Kiên Giang). Ảnh: THÙY TRANG
Qua khảo sát một số diện tích lúa hè thu 2022 tại địa bàn hai xã Mong Thọ và Mong Thọ B, huyện Châu Thành, nhiều trà lúa đã phát triển được từ 90-95 ngày, có cánh đồng đã tới ngày thu hoạch nhưng ngập sâu trong nước. Mặc dù trời vẫn còn mưa nhưng nhiều nông dân tại đây đã ra đồng để cứu lúa nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Nông dân đặt máy bơm, tích cực bơm nước ra với hy vọng có thể cứu được diện tích lúa bị ngập nước nhiều ngày đang có nguy cơ mọc mầm, giảm chất lượng và năng suất.
Không giấu được sự lo lắng, anh Nguyễn Thanh Hải, nông dân ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B nói: “Mấy ngày trời mưa, dông, tôi nằm ở nhà mà xót ruột, lúa gần tới ngày thu hoạch lại gặp mưa lớn, bị đổ ngả, ngập úng giảm năng suất. Thêm vào đó, chi phí phân bón, cày xới, thu hoạch đều tăng, lúa bán không được giá nên sẽ lỗ nhiều”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, ngụ ấp Hòa Thọ, xã Mong Thọ cho biết: “Vụ hè thu 2022, đầu vụ thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao, trúng mùa, nhưng bất ngờ tới gần thu hoạch lại gặp mưa, dông kéo dài, khiến nông dân rơi vào cảnh thất mùa. Hiện 2ha lúa hè thu 2022 của tôi bị ngập sâu hơn 5 ngày, một số chỗ lúa đã chuyển màu, thiệt hại khoảng 50% năng suất. Tôi đang tích cực bơm nước ra, đợi thời tiết nắng lên, kêu máy cắt vào thu hoạch”.
Tại huyện U Minh Thượng, những ngày qua mưa to, triều cường dâng đã làm 73ha lúa hè thu của nông dân xã Thạnh Yên, Hòa Chánh bị ngập cục bộ, mức độ thiệt hại ước 30-70%. Cùng với đó, nhiều diện tích rau màu ở hai xã vùng đệm An Minh Bắc, Minh Thuận cũng ngập nước. Các xã đang tiến hành khảo sát để thống kê diện tích và mức độ thiệt hại.
Nước ngập vườn trồng cây ăn trái và gừng của ông Võ Văn Hoàng, ngụ ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: THU OANH
Ông Võ Văn Hoàng, ngụ ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng nói: “Nhà tôi có 2ha trồng gừng, đu đủ và nhiều loại cây ăn trái khác. Do mưa lớn, triều cường dâng làm khoảng 500m2 vườn bị ngập. Với tình trạng mưa lớn và nước ngập cả bờ như hiện nay, dù tôi đặt máy bơm vẫn không kịp thoát nước, phải đợi bớt mưa mới đặt máy bơm”. Ông Hoàng buồn rầu cho biết với tình trạng ngập như hiện nay thì diện tích gừng đã trồng được 3 tháng của gia đình ông sẽ bị thiệt hại, khi nước rút phải nhổ bỏ để xuống giống mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Đen - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc cho biết: “Đa số người dân trong ấp trồng chuối xiêm, bưởi, xoài, gừng và các loại rau màu. Những ngày qua, mưa to liên tục, nước mưa không kịp thoát cùng với triều cường dâng khiến nhiều diện tích vườn, rẫy, rau màu bị ngập cục bộ. Một số chuối xiêm đang cho quầy cũng bị đổ ngả, gây thiệt hại cho người dân. Hiện ban lãnh đạo ấp cùng cán bộ xã tiến hành khảo sát trên địa bàn, thống kê số lượng diện tích rau màu bị thiệt hại”.
Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động cường độ mạnh kết hợp triều Biển Tây đang lên đã gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven biển thuộc các huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng. Ghi nhận tại địa bàn huyện U Minh Thượng, triều cường nước dâng khiến nhiều nhà dân trong khu vực vùng đệm bị nước ngập cả sân và nền nhà, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của người dân. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cũng bị nước ngập, khiến việc đi lại khó khăn.
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trước tình hình mưa kéo dài nhiều ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của người dân trong tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế các huyện, thành phố rà soát, thống kê, tổng hợp, phân loại diện tích lúa hè thu 2022, diện tích rau màu, cây ăn trái bị thiệt hại theo từng mức độ khác nhau. Sau đó, sở sẽ có giải pháp hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp thiệt hại sản xuất của nông dân.
Bên cạnh việc rà soát, thống kê diện tích thiệt hại về sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh mở hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước kịp thời, chống ngập; cập nhật kịp thời thông tin dự báo thời tiết thông báo cho các địa phương và nhân dân chủ động ứng phó.
Bài và ảnh: THÙY TRANG - THU OANH
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: