08/06/2021 08:08
4 năm gần đây, kinh tế gia đình chị Thị Sươl - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng ổn định hơn trước do chị có thêm nghề đan giỏ bàng. Trước đây, gia đình chị vừa làm ruộng, vừa đan đệm bàng. 4 năm trước, chị tham gia lớp tập huấn đan giỏ bàng do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi phối hợp doanh nghiệp tổ chức, từ đó chị biết đan giỏ bàng. Sau học nghề, chị cùng với chồng, con tranh thủ giờ nhàn rỗi tự đan giỏ bàng tại nhà.
Chúng tôi đến thăm gia đình đúng lúc chị Sươl và chồng đang đan giỏ bàng. Cuộc trao đổi của tôi với chị Sươl gián đoạn nhiều lần, do chị không nói rành tiếng Việt, phải nhờ đồng chí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng phiên dịch.
Chị Sươl nói: “Ngày xưa đan đệm bàng đến 3 ngày mới xong một chiếc, bán chỉ được 60.000 đồng/chiếc. Bây giờ vợ chồng tôi đan giỏ bàng mỗi ngày được 100.000 đồng. Tôi ở nhà vừa có thể làm việc nhà, đưa đón con đi học, vừa tận dụng thời gian đan giỏ bàng. Sản phẩm bán cho công ty hàng ngày đủ cho tôi trang trải tiền mua thức ăn, cho con cái đi học”. Ngoài ra, gia đình chị còn sản xuất 10 công lúa, bình quân thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, giúp gia đình chị có tích lũy.
Chị Thị Sươl còn tích cực tham gia sinh hoạt Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng. Vào chi hội, ngoài được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào phụ nữ, được dạy nghề, chị còn tham gia mô hình góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế.
Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) đan giỏ bàng tại nhà chị Thị Sươl (bìa trái) - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng, xã Phú Lợi.
Hiện chị góp vốn 2 triệu đồng/vụ lúa do Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng tổ chức. Dây góp vốn có 20 chị tham gia, mỗi vụ lúa có 2 chị được hốt vốn. Chị Thị Sươl nói: “Tôi vừa hốt được 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1 con bò, số tiền còn lại mua nguyên liệu về đan giỏ bàng. Từ lúc tham gia sinh hoạt chi hội, tôi biết được nhiều điều hay, được chi hội hướng dẫn phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm dạy con học hành, không để con bỏ học giữa chừng”.
Xã Phú Mỹ nói chung, ấp Tà Teng nói riêng là địa phương khó khăn vùng biên giới. Riêng ấp Tà Teng có đến 80% người dân là đồng bào Khmer. Để thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt, Chi hội Phụ nữ ấp tuyên truyền, vận động, đi từng nhà gặp gỡ chị em, đồng thời tổ chức mô hình đan giỏ bàng, góp vốn xoay vòng.
Hiện chi hội có 246 hội viên, trong đó hội viên là đồng bào Khmer chiếm khoảng 80%. Chi hội có 2 dây góp vốn xoay vòng theo vụ lúa. Ngoài dây 2 triệu đồng/người/vụ lúa còn có dây 5 triệu đồng/người/vụ lúa, với 16 chị tham gia. Vốn xoay vòng giúp các chị đầu tư phát triển kinh tế như nuôi bò, mua nguyên liệu đan giỏ, sửa chữa nhà…
Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng quý. Do địa bàn ấp rộng nên chi hội tổ chức sinh hoạt theo tổ nhân dân tự quản, với 2 tổ phụ nữ sinh hoạt chung cuộc họp, chi hội có 6 tổ phụ nữ. Đồng chí Thị Vi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng nói: “Chị em trong ấp chủ yếu là đồng bào Khmer, nên sinh hoạt ngoài nói tiếng Việt, tôi còn nói tiếng Khmer để chị em hiểu, vì có một số chị em không nghe rành tiếng Việt hoặc có một số từ tiếng Việt phải giải nghĩa ra tiếng Khmer chị em mới nắm bắt được”.
Vợ chồng chị Thị Sươl - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) đan giỏ bàng.
Mỗi buổi sinh hoạt tổ phụ nữ chỉ diễn ra tầm 45 phút, chỉ sinh hoạt nội dung trọng tâm như tóm tắt một số văn bản mới, các phong trào phụ nữ, các hoạt động ở địa phương, tuyên truyền thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, phòng, chống dịch COVID-19, về phát triển kinh tế gia đình… “Chị em là nông dân, nên tôi nói những gì trọng tâm, trọng điểm để chị em nắm bắt. Nếu nói dài, đọc văn bản nhiều quá, chị em dễ sinh ra chán, nên tôi phải nói điều gì thiết thực với chị em”, đồng chí Thị Vi nói thêm.
Nhờ tham gia chi hội, tạo thêm việc làm đan giỏ bàng, góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế, những năm gần đây đời sống kinh tế của hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng nâng lên, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện chi hội còn 36 hội viên nghèo, một số hội viên có kinh tế khá giả.
Chị Thị The - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tà Teng là một trong những hộ chí thú làm ăn vươn lên khá giả, chị có 40 công đất để sản xuất nông nghiệp và mới xây dựng căn nhà tường khang trang gần 1 tỷ đồng. Chị The chia sẻ: “Tôi vào chi hội sinh hoạt, chị em khuyên nhau cố gắng làm ăn vươn lên. Tôi vừa hốt vốn xoay vòng được 40 triệu đồng, tôi mua bò và đầu tư sản xuất của gia đình. Hiện kinh tế gia đình tôi ổn định”.
Khi hỏi có thích tham gia sinh hoạt chi hội không, chị The trả lời quả quyết: “Có chứ, tham gia sinh hoạt vừa vui vừa được học hỏi nhiều điều hay”.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Ngày 10-10, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Giang Thành (Kiên Giang) phối hợp Khoa Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tổ chức hiến máu tình nguyện đợt III năm 2024 trên địa bàn huyện.
Tổng số lượt truy cập: