21/06/2024 11:23
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin qua điện thoại, internet, thế nhưng truyền thanh cơ sở vẫn có một chỗ đứng riêng của mình khi đưa đến người dân thông tin chính thống, thông tin bổ ích, gần gũi của chính địa phương mình.
Viên chức Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp tác nghiệp phỏng vấn.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp Trần Văn Hải cho biết trong các nhiệm vụ mà trung tâm đảm nhiệm có nhiệm vụ gần giống với các cơ quan báo chí đó là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương, chương trình, kế hoạch... của Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Hiệp và các mô hình kinh tế, gương điển hình, người tốt việc tốt... trên sóng phát thanh.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp Trần Văn Hải, đội ngũ viên chức của trung tâm đều tốt nghiệp các chuyên ngành khác và chưa được đào tạo bài bản chuyên ngành báo chí. Tuy nhiên, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các cơ quan báo chí tổ chức đã giúp cho đội ngũ viên chức của trung tâm, đặc biệt là tổ truyền thanh của trung tâm nâng lên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các viên chức ngày một nâng lên về nghề trong quá trình sản xuất tin, bài truyền thanh và truyền hình, báo in, báo điện tử.
Anh Trần Trung Hiếu - phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp tác nghiệp tại hội nghị.
Anh Trần Trung Hiếu đã có 14 năm phụ trách kỹ thuật và là phóng viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp. Anh Hiếu học ngành Luật nhưng lại làm phóng viên. Nhưng chính lòng yêu nghề đã giúp anh không ngừng vun đắp để những “đứa con tinh thần” của mình ngày càng hoàn thiện. Hiếu kể: “Lúc đầu, tôi phụ trách kỹ thuật, rồi theo đồng nghiệp tập quay phim, tập viết, sau đó được trung tâm đưa đi tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật quay phim, viết tin, bài”.
Từ năm 2016, anh Hiếu là phóng viên chính của trung tâm, vừa quay, vừa viết, nên công việc tốn nhiều thời gian. Anh Hiếu chia sẻ: “Công việc sản xuất tin, bài liên tục, nên yêu cầu phải nhanh, phải chuẩn xác. Bản thân vừa sản xuất tác phẩm cho phát truyền thanh huyện, vừa cộng tác cho báo, đài tỉnh nên đôi lúc cũng vất vả. Tuy nhiên, bản thân rất vui vì được thực hiện công việc mà mình yêu thích”.
Chị Nguyễn Thị Chúc Loan - phát thanh viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp đọc bản tin.
Đến nay, chị Nguyễn Thị Chúc Loan tròn 15 năm là phát thanh viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp. Chị Loan kể, chị đến với nghề phát thanh viên bất ngờ vào dịp 21-6-2009. Khi đó, chị đại diện gia đình đi dự họp mặt những hộ dân cung cấp điện cho loa truyền thanh cơ sở. Hôm đó, chị biết một phát thanh viên của Đài truyền thanh huyện Tân Hiệp nghỉ hưu, cần tuyển phát thanh viên mới. Chị mạnh dạn đăng ký thử giọng đọc và đúng ngày 2-9-2009, chị vào làm phát thanh viên cho đến nay.
“Tôi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và tự rèn đọc chữ tròn vành rõ nghĩa. Ở mỗi tin, bài trước khi thu âm tôi đều đọc trước để nắm rõ đó là thể loại thời sự hay bài phản ánh, phóng sự để có cách đọc phù hợp. Ví dụ những bài viết về lịch sử thì thể hiện giọng đọc hào hùng, truyền cảm người nghe. Những bài phóng sự thì cần thể được cảm xúc của nhân vật trong bài viết”, chị Loan chia sẻ.
Bằng cái tâm với nghề, trong đại dịch dù bị mắc COVID-19, chị Loan vẫn cố gắng đọc các bản tin truyền thành hàng ngày. Chị Loan nói: “Trung tâm chỉ có một phát thanh viên, dù bệnh tôi vẫn cố gắng để truyền tải thông tin đến người dân, nhất là những thông tin chính thống về phòng, chống dịch bệnh để người dân nắm được”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Cầu sắt bắc qua sông Giang Thành nối liền tổ 3 và tổ 8 thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Cầu dài 132,66m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, độ cao thông thuyền 6m, mức đầu tư trên 18,5 tỷ đồng.
Tổng số lượt truy cập: