19/02/2024 14:11
Theo đồng chí Quách Hạo Hạo - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp ngành công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay vốn, sau đó tiến hành giải ngân kịp thời cho các đối tượng.
Đến cuối năm 2023, ngân hàng giải ngân vốn cho hai trường hợp chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn với số tiền 100 triệu đồng; mỗi hộ được vay thời hạn 5 năm, lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay thời điểm hiện tại là 6,6%/năm.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên cùng đoàn thể, lực lượng công an xã tham quan mô hình nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Chính.
Bà Lê Thị Mỹ Dư, ngụ ấp Lô 15A, xã Hưng Yên là một trong hai trường hợp trên địa bàn huyện An Biên được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh án 10 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Dư nhận thức được hành vi sai trái, hối hận về những việc làm của mình. Bà chấp hành tốt quy định trong thời gian chấp hành án nên được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, ra tù trước hạn 3 năm.
Sau khi ra tù, bà Dư không có việc làm, không có thu nhập. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù giúp bà Dư phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Chính - chồng bà Dư chia sẻ: “Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 4 con dê giống. Đàn dê đang phát triển tốt và đẻ được 6 dê con. Dự kiến năm 2024 gia đình tôi có thể thu lợi nhuận từ việc nuôi dê, kinh tế ổn định hơn. Nguồn vốn chính sách là điểm tựa, sự động viên giúp vợ tôi có thêm niềm tin làm lại cuộc đời”.
4 năm trước, anh Lương Thanh Liêm, ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên mãn hạn tù trở về địa phương. Anh Liêm sống cùng cha mẹ, chịu khó làm ăn. Gia đình anh có đất canh tác nhưng thiếu vốn đầu tư. Anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn làm thủ tục vay vốn theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Được vay 60 triệu đồng, anh Liêm đầu tư phát triển mô hình tôm - lúa.
“Trở về địa phương, tôi được gia đình và chính quyền địa phương quan tâm, động viên; trong đó ý nghĩa hơn là tôi được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách. Có vốn, tôi cải tạo vuông tôm, mua con giống, thức ăn phát triển mô hình tôm - lúa. Kinh tế gia đình phát triển, tôi phụng dưỡng cha mẹ già, bù đắp những lỗi lầm đã phạm phải”, anh Liêm nói.
Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách này giúp những đối tượng từng lầm đường lỡ bước có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đồng chí Quách Hạo Hạo chia sẻ: “Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp công an xã, thị trấn rà soát danh sách người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và kịp thời giải ngân vốn cho đối tượng thụ hưởng; phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và lực lượng công an kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay và thu hồi nợ, đảm bảo chương trình được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả”.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 11-10, Trường Đại học Kiên Giang tổ chức khai giảng năm học 2024-2025. Đến nay, trường có 1.830 tân sinh viên hệ chính quy nhập học, nâng quy mô toàn trường năm học 2024-2025 lên 7.000 sinh viên theo học 25 ngành đào tạo.
Tổng số lượt truy cập: