20/09/2021 15:40
Dạy con tự lập là hành trình dài, cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con, giúp con rèn luyện thói quen từ nhỏ để hoàn thiện bản thân từ những điều đơn giản. Chị Nguyễn Thị Xuân Thúy, ngụ đường Ngô Gia Tự và chị Trương Cẩm Chi, ngụ đường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) dùng tình yêu thương gắn với giáo dục khi con còn nhỏ. Theo chị Thúy và chị Chi, giai đoạn tốt nhất là dạy trẻ từ nhỏ đến 12 tuổi và sẽ khó hơn nếu dạy con tự lập quá trễ. Hai chị không đánh mà động viên và đặt trọn niềm tin vào con.
Các con của chị Thúy và chị Chi có khả năng tự lập tốt. Từ nhỏ, các bé tự giác và làm thành thạo những việc như quét, lau, dọn nhà, phơi và xếp quần áo… Con của chị Thúy lúc 3 tuổi mở cửa cổng rào vào nhà, học lớp 1 biết nấu cơm bằng nồi cơm điện, lớp 6 tự đạp xe đến trường. Chị Thúy cho biết khi con còn nhỏ, chị làm trước cho bé quan sát, sau đó chị đứng bên cạnh, kiên nhẫn hướng dẫn, động viên nên bé vui khi hoàn thành việc.
Vợ chồng chị cùng quan điểm, thống nhất và hỗ trợ nhau dạy con. Nếu chỉ dựa vào tình yêu và bản năng thì chưa đủ, tư duy và phương pháp giáo dục cần thống nhất. Có những giai đoạn ở tuổi “ương bướng”, trẻ phản biện nhiều, chị Thúy không bác bỏ, kiên nhẫn giải thích, chứng minh thực tế cho con hiểu. Khi con muốn được tự đến trường, những ngày hè lớp 5, chiều nào chồng chị Thúy cũng cùng con đạp xe từ nhà đến trường và ngược lại. Cách làm này vừa cho con tập thể dục vừa giúp con nhớ đường đi. Vợ chồng chị Thúy quan sát con từ xa, khen khi con làm tốt. Anh, chị điều chỉnh, hướng dẫn nhẹ nhàng nếu con làm chưa tốt, không áp đặt, tạo áp lực cho con.
Do công việc kinh doanh, chị Trương Cẩm Chi thường vắng nhà, có chuyến đi 1 tháng. Ở nhà, hai con của chị vẫn tự lập tốt. Dù kinh tế gia đình khá giả, nhưng do muốn dạy các con tự lập, nghỉ hè, chị Chi gởi con làm phục vụ, dọn quán ăn để con có tiền tự đóng học phí. Chị Chi bộc bạch: “Tôi được trui rèn qua cực khổ từ nhỏ, hoàn cảnh khắc nghiệt nào tôi cũng vượt qua nên tôi muốn dạy con như vậy”.
Bên cạnh việc dạy con tự lập, chị Thúy và chị Chi thường khơi gợi cho các con lòng nhân ái, dạy các con yêu thương, giúp đỡ người khó khăn. Hai chị làm nhiều việc thiện cho con noi theo, luôn ủng hộ và khuyến khích con làm việc tốt, giúp người kém may mắn. Các con của hai chị thường dùng tiền tiết kiệm của mình để chia sẻ với người gặp khó khăn.
Chị Lý Thu Hà cùng con là Đoàn Lý Minh, ngụ đường Cao Văn Lầu, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chăm sóc cải xanh do gia đình trồng.
Thời gian đầu, chị Lý Thu Hà, ngụ đường Cao Văn Lầu, TP. Rạch Giá dạy con tự lập gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chị Hà yên tâm vì có bà ngoại chăm con là bé Đoàn Lý Minh. Với quan niệm “con trai không cần làm việc nhà” nên ông bà ngoại không cho Minh làm thêm việc gì ngoài việc học. Khi chị Hà nhận ra và bắt đầu hành trình dạy con biết tự lập thì Minh 12 tuổi. Chị đưa con ở riêng, dạy con việc nhỏ nhất như quét nhà, tưới cây, rửa chén. Lúc đầu hai mẹ con gặp nhiều khó khăn. Chị Hà phải theo sát con, cầm tay chỉ từng việc, còn Minh miễn cưỡng làm theo kiểu đối phó.
Sự kiên trì sau vài tháng đem lại kết quả tốt, Minh làm được những việc như quét và lau nhà, phơi quần áo, nấu cơm, rửa chén, tưới cây... Tuy còn đợi mẹ nhắc nhưng Minh tiến bộ từng ngày. Minh cho biết: “Lúc trước bà ngoại không cho con làm gì, giờ mẹ dạy con làm nhiều việc, tuy mệt nhưng khi làm xong con thoải mái vì thấy gọn gàng, sạch sẽ”.
Theo Thạc sĩ tâm lý học Trương Thị Thu Minh - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, từ 0-5 tuổi có 50% sự phát triển nhân cách của trẻ ảnh hưởng bởi môi trường gia đình. Định hướng của gia đình quan trọng, hành vi, tính cách, thói quen của trẻ đều do giáo dục và rèn luyện, cần lặp đi lặp lại nhưng không đơn điệu. Có khi hai trẻ cùng lớn lên trong cùng một gia đình, có cùng văn hóa nhưng cách đối xử của người lớn với hai trẻ khác nhau thì sự phát triển khác nhau, do mỗi trẻ có sự tiếp nhận riêng.
Thạc sĩ Trương Thị Thu Minh lưu ý muốn dạy con tự lập, phụ huynh cần trang bị kiến thức để hiểu đặc điểm tâm sinh lý, cơ chế hình thành thói quen của trẻ và có kế hoạch cho trẻ để người lớn có thời gian kiểm soát, đưa trẻ vào khuôn khổ. Tuy nhiên, phụ huynh lưu ý giao việc cho trẻ phải phù hợp lứa tuổi, hướng đến tự lập hiệu quả.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: