02/10/2023 10:16
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, 9 tháng năm 2023, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo các ngành, nghề như xây dựng, trang điểm, điện dân dụng, điện lạnh, tin học văn phòng, đan sản phẩm thủ công...
Người lao động học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Riêng người học nghề thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… được hỗ trợ thêm các khoản như tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên…
Kết quả sau đào tạo nghề và liên kết tư vấn, giải quyết việc làm 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang có gần 30.000 lao động có việc làm, đạt 84,5% kế hoạch.
Học viên người dân tộc thiểu số ấp Năm Chùa, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có thêm thu nhập từ nghề điện dân dụng.
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ tháng 4 đến 8-2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Biên phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức lớp dạy nghề điện dân dụng cho 30 học viên dân tộc thiểu số trên địa bàn ấp Năm Chùa, xã Nam Thái. Sau học nghề, nhiều học viên có việc làm thêm, thu nhập ổn định.
Anh Danh Thành, ngụ ấp Năm Chùa, xã Nam Thái chia sẻ: “Không có ruộng đất sản xuất, gia đình tôi sống bằng nghề làm thuê và photo, in thiệp tại nhà. Sau khi học nghề, tôi biết sửa chữa, lắp đặt các thiết bị liên quan đến điện năng, đồ dùng điện như bếp từ, bếp điện, quạt điện, lò vi sóng, hệ thống điện trong gia đình. Tôi sửa chữa, lắp đặt điện cho khách có thu nhập lo cho gia đình”.
Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, anh Danh Quốc Đệ, ngụ ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi tôm càng xanh do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thuận phối hợp Trường Trung cấp nghề vùng U Minh Thượng tổ chức.
Anh Đệ cho biết: “Tham gia học nghề tôi được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất, cách làm ao nuôi, chọn giống, thức ăn, chăm sóc tôm; biện pháp phòng và điều trị các bệnh thường xảy ra trên tôm càng xanh. Áp dụng kiến thức được học vào nuôi tôm càng xanh giúp tôi tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Vụ vừa qua tôi nuôi tôm cho năng suất hơn 500kg/ha, với giá bán từ 120.000-170.000 đồng/kg, tôi thu lợi nhuận gần 150 triệu đồng”.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thuận, từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp các đơn vị tổ chức thành công 9 lớp đào tạo nghề cho 233 lao động nông thôn, trong đó có 93 người dân tộc thiểu số tham gia.
Sau quá trình nỗ lực đào tạo nghề, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện giúp gần 3.000 lao động có việc làm ổn định, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Hiện hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 666 hộ, chiếm 2,81%, trong đó có 116 hộ nghèo là dân tộc thiểu số.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp các đoàn thể điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động người dân trên địa bàn tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Chiều 5-12, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang phối hợp Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: