21/02/2023 09:10
Năm nay gần 70 tuổi, nhưng bà Phan Thị Mỹ Vân vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Bà tất bật chuẩn bị những gói xôi để kịp bán cho học sinh giờ tan trường.
Bà Vân kể, nghề bán xôi của bà được người chị truyền lại từ năm 1995 và bà gắn bó với nghề gần 30 năm. Lúc trước bà gánh xôi đi bán nhưng nay tuổi cao nên bà đóng chiếc xe nhỏ để đẩy cho đỡ đau lưng.
Học sinh mua xôi của bà Vân sau giờ tan học.
Bà Vân bán xôi nếp than và xôi nếp cẩm, xôi nếp cẩm được nhiều người thích nên bán đắt hàng hơn. Gói xôi nhỏ giá 6.000 đồng, gói lớn 10.000 đồng, khách hàng của bà chủ yếu là học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương và người dân lao động sống ở khu vực này.
Thời gian gần đây, bà Vân không bán xôi cố định mà đẩy xe đến nhiều nơi để bán. Buổi sáng, bà bán ở khu vực gần Cảng thủy nội địa Rạch Giá, chiều ở Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, còn buổi tối ở Trung tâm Thương mại Rạch Giá.
Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên - học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương cho biết: “Em và các bạn gọi bà Vân là ngoại vì bà hiền, dễ mến như bà của chúng em. Mỗi khi tan học, chúng em chạy ra cổng trường tìm xe xôi của ngoại và mua ủng hộ cho nhanh hết để ngoại về sớm. Ngoại bán rẻ lắm, dù treo bảng 6.000 đồng/gói nhưng chúng em mua 4.000, 5.000 đồng ngoại đều bán”.
Mỗi ngày, bà Vân bắt đầu đi bán xôi từ 13 giờ đến khi hết xôi mới về nhà, hôm nào sớm thì 18 giờ, muộn hơn thì 20, 21 giờ bà mới về nhà. Mỗi ngày bà bán xôi được từ 400.000-500.000 đồng cả vốn và lời.
Bà Vân phải thức từ 4 giờ, ra chợ và mua nguyên liệu về chuẩn bị nấu xôi. Các công đoạn từ ngâm nếp, hấp xôi, làm mỡ hành, nấu nước cốt dừa đều do bà Vân làm để giữ hương vị độc quyền. Khách hàng thích nước cốt dừa ăn kèm với xôi nếp than vì vị ngọt.
“Bán xôi cực, thu nhập không cao nhưng tôi vui, vì vậy tôi gắn bó với xe xôi này đến cuối đời. Mỗi lần bị bệnh không đi bán được, tôi được nhiều cháu học sinh và khách hàng thân quen gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Các cháu thường tặng tôi nước uống cùng nhiều thức ăn vặt vì sợ tôi sẽ mệt và đói. Xe xôi không chỉ là nguồn thu nhập chính nuôi gia đình tôi mà còn là kỷ niệm với chị tôi nên tôi rất trân trọng”, bà Vân chia sẻ.
Bà Vân ở trọ tại phường Vĩnh Quang, trước đây bà sống một mình vì chồng mất sớm, hiện con gái bà về sống cùng để chăm sóc bà. Bà Vân kể: “Tôi ở trọ tại TP. Rạch Giá hơn 20 năm, tôi không nhớ nổi mình đã dọn nhà trọ bao nhiêu lần và ở những khu vực nào. Công việc buôn bán đi sớm về muộn làm phiền mọi người nên nhiều khu trọ không đồng ý cho tôi thuê. Tôi cố gắng mua một căn nhà nhỏ cho con cháu sau này không phải ở nhà thuê vì khổ và bất tiện lắm”.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: