11/02/2022 14:06
PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN VÀ CHIA SẺ TÀI NGUYÊN MỚI
Theo đồng chí Lê Thị Thanh Thủy - Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang, thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số, giúp bạn đọc không chỉ tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các sách, tư liệu giữa các thư viện số. Ngoài ra, thư viện số cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị kết nối với internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện.
“Việc sử dụng những phần mềm thư viện số là xu hướng của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật trong giai đoạn bùng nổ thông tin. Thư viện số làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của thư viện, từ thu thập, xử lý tài liệu, phục vụ người đọc, đồng thời tạo ra sản phẩm thông tin giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dùng…”, đồng chí Lê Thị Thanh Thủy nói.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi cách thức hoạt động của thư viện truyền thống, mở đường cho xu hướng thư viện số. Từ yêu cầu cung cấp thông tin, hệ thống ngành thư viện chuyển đổi, ứng dụng đa dạng giải pháp theo xu thế công nghệ, tận dụng tối đa tiện ích công nghệ để tăng cường tiếp cận độc giả và giải đáp đòi hỏi từ phía người đọc, người dùng.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên - giảng viên Trường Đại học Kiên Giang nhận định, sự bùng nổ, gia tăng nhanh chóng nội dung số dẫn đến xu thế phát triển tài liệu ở dạng điện tử. Trong đó, tài liệu trực tuyến là các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin tương ứng được phát triển ngày càng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Do vậy, các thư viện cần xây dựng dữ liệu, hợp tác mới giúp nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm soát dữ liệu… Tuy nhiên, công tác số hóa ngành thư viện đặt ra thách thức như việc áp dụng rộng rãi các phần mềm thư viện số đòi hỏi có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để thực hiện nguồn tài liệu điện tử, trong đó có nguồn tài liệu được số hóa.
GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH THƯ VIỆN KIÊN GIANG
Tại Kiên Giang, thời gian qua, ngành thư viện đóng vai trò quan trọng trong cung cấp tri thức, thông tin, tư liệu… quý báu cho bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Để tiếp tục phát huy vai trò ngành thư viện trong thời đại 4.0, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa triển khai chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Viên chức, người lao động đọc sách tại Thư viện tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thư viện công lập được đầu tư hoàn thiện, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với các thư viện trong và ngoài nước; 80% thư viện chuyên ngành, thư viện trường đại học, cao đẳng và trung cấp, 60% thư viện huyện, thành phố, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục có trang thông tin điện tử, có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập.
Tỉnh phấn đấu có 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập, quản lý được số hóa; 60% số thư viện trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Định hướng đến năm 2030, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thiện, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số các thư viện; xây dựng và phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa Thư viện tỉnh với các thư viện trong và ngoài nước; xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia, góp phần xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập…
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 13-9, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang tổ chức trao tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: