17/12/2022 09:50
Người dân trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) được trợ giúp xã hội khi gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Hội nghị do Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16-12. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, có 9 tỉnh, thành tham gia báo cáo tham luận. Các tham luận cơ bản khẳng định nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, được nhân dân tiếp nhận và đem lại kết quả to lớn.
Các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được và chưa được trên các phương diện như sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; thực hiện chính sách người có công, giải quyết việc làm, lao động, giảm nghèo, bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, các đại biểu chỉ rõ những hạn chế như vấn đề nhận thức về chính sách xã hội vẫn chưa tương xứng, ngang tầm, chưa phải là chính sách mang tính động lực; thực hiện chính sách còn chú ý mục tiêu về định lượng, chưa chú ý nhiều về chất lượng. Một số chính sách xã hội vẫn còn hạn chế, chậm được cải thiện; chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng....
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh cho rằng nghị quyết thực hiện các chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân, đặc biệt là chính sách chăm lo cho người có công.
Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phạm Văn Linh khẳng định: “Ít quốc gia nào trên thế giới mà thực hiện chính sách đối với các thế hệ trước, có công với cách mạng mà đặc biệt như Việt Nam. Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9,2 triệu người có công; trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Cả nước nỗ lực chính sách ưu đãi cho người có công, để đời sống gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh đồng tình những giải pháp mà các đại biểu đưa ra, trong đó quan trọng nhất là cần có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của chính sách xã hội, đây không chỉ là vấn đề ổn định mà còn là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Chính sách xã hội cần đặt ngang tầm với chính sách kinh tế; phát huy tính ưu việt của chế độ và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.
Thời gian tới, cần ban hành nghị quyết mới về chính sách xã hội, khi xây dựng cần có cách tiếp cận mới phù hợp sự phát triển của đất nước, trong đó chú ý đến tính bền vững của chính sách. Các ngành chức năng hoàn thiện khung thể chế để tổ chức thực hiện các chính sách tốt hơn. Xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện theo từng giai đoạn…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về công tác giảm nghèo. Từ một quốc gia, hơn 70% dân số nghèo đói (năm 1990), đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,23% (năm 2021). Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,509 triệu người năm 2021, bao phủ 3,5% dân số.
Trong 2 năm bùng phát dịch bệnh COVID-19, cả nước đã chi 86 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hơn 56 triệu lượt người và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động thông qua các chính sách an sinh xã hội.
Tại Kiên Giang, đến cuối năm 2020, tỉnh cơ bản không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trong năm 5 năm (2016-2020) là 1,16%/năm (chỉ tiêu đề ra trên 1%); giải quyết việc làm cho 183.205 lượt lao động, vượt 4,68% chỉ tiêu; có trên 85,9% dân số tham gia bảo hiểm y tế (chỉ tiêu trên 85%).
Tin và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua, 7-9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại các vùng biển Kiên Giang tiếp tục có mưa dông, gió giật mạnh và sóng lớn.
Tổng số lượt truy cập: