19/05/2024 20:06
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng sạt lở này do tác động tiêu cực từ kiểu thời tiết hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn khó kiểm soát tại các tuyến đê bao lớn, hoặc tại các kênh đào khu vực nội đồng U Minh Thượng.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, huyện U Minh Thượng thực hiện việc bơm nước bảo vệ rừng, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, kèm với kiểu thời tiết nắng nóng khiến mực nước tại các trục kênh trong đê bao xuống nhanh, cạn nước mặt và khô hạn. Đây là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún lộ, hư hỏng nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, khiến việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngày 14-5, dọc tuyến đường tỉnh 965 thuộc địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, xảy ra nhiều điểm sạt lở mới; trong đó, điểm sạt lở nghiêm trọng nhất cách nhà văn hóa ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc khoảng 150m, khi hơn 100m mặt đường nhựa đường tỉnh 965 bị nứt toạc và sụt lún sâu khoảng 2m so với bình thường. Mặt đường tỉnh này sau sụt lún chỉ còn bề rộng khoảng 50cm, khiến người và phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn hiểm nguy.
Điểm sạt lở trên đường tỉnh 965 thuộc địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Mặt đường bị sụt lún hoàn toàn, chính quyền địa phương, người dân ứng phó bằng cách mở đường tạm để di chuyển.
Điểm sụt lún, sạt lở này nằm liền kề với nhiều điểm sạt lở khác tại khu vực gần nhà văn hóa ấp Kinh Năm. Tại đây hơn 1 tháng trước, cầu bê tông bắt qua tuyến kênh nối đường tỉnh 965 và nhà văn hóa ấp Kinh Năm bị sụt lún, hư hỏng nặng. Nhiều đoạn mặt đường tỉnh 965 bị nứt, sạt lở, sụt lún, làm hư hỏng những căn nhà phía ngoài đê bao, đe dọa đến cả những ngôi nhà phía bên trong đê.
Cầu bê tông bắc qua tuyến kênh nối đường tỉnh 965 và Nhà văn hóa ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng bị sụt lún, hư hỏng nặng.
Cách điểm sạt lở, sụt lún này chưa đầy 500m là một căn nhà bị sụt lún và hư hỏng nặng của gia đình chị Đặng Thị Triều, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc. Khoảng 1 tháng nay, gia đình chị Triều chịu hậu quả của 2 đợt sạt lở, sụt lún đất, tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Để tiện cho việc làm ăn, mua bán, cho thuê nhà, gia đình chị Triều đã cất nhà khá kiên cố tại mé kênh dọc đường tỉnh 965.
Căn nhà bị đổ nghiêng, sụt lún của gia đình chị Đặng Thị Triều.
Căn nhà vừa sụt lún cách đây vài ngày của gia đình chị Đặng Thị Triều là căn nhà được chị cho thuê lại, khách thuê là gia đình 4 người của chị Trương Thị Hồng, ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. "Thời điểm xảy ra sạt lở, các thành viên trong gia đình tôi đều đang ở nhà. Việc sụt lún diễn ra khá chậm nên chúng tôi gọi nhau cùng thoát ra, không nguy hiểm tính mạng", chị Trương Thị Hồng nói.
Căn nhà của gia đình chị Đặng Thị Triều bị sụt lún sâu hơn mặt đường tỉnh 965 khoảng 2m. Anh Đen (chồng chị Triều) bắc thang để mọi người di chuyển ra vào căn nhà.
"Sau sụt lún, chúng tôi được chính quyền xã An Minh Bắc đến thăm hỏi, động viên, tuyên truyền cần di dời đến nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện gia đình tôi chưa biết đi đâu, nên đành ở tạm trong căn nhà nghiêng ngả, sụt lún sâu gần 2m so với mặt đường tỉnh 965", chị Trương Thị Hồng chia sẻ.
Chị Trương Thị Hồng lo lắng vì sống trong căn nhà chờ sập.
Việc ở tạm trong căn nhà chờ sập thật sự là nỗi ám ảnh lớn đối với gia đình chị Trương Thị Hồng. "Đêm tối, khi ngủ, tôi thường giật mình khi có tiếng động nhẹ, sợ căn nhà sẽ sụt lún. Những ngày mưa lớn là sự bất an càng tăng thêm. Khi tìm được nơi ở khác, chúng tôi sẽ chuyển đi, chứ ở đây chẳng thể an yên", chị Hồng cho biết.
Gia đình chị Trương Thị Hồng bất an trong căn nhà có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, nếu tình trạng sụt lún đất vẫn tiếp diễn.
Theo UBND xã An Minh Bắc, An Minh Bắc là một trong hai xã của huyện U Minh Thượng xảy ra sạt lở, sụt lún nhiều, phức tạp nhất. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến ngày 16-5, nắng nóng, khô hạn đã làm sạt lở 5.582m lề đường, có những điểm đất sụp tới tim đường sâu từ 0,5 đến 2m, nhiều đoạn khoét sâu tới mặt đường, sụp gãy hoàn toàn 22 điểm với chiều dài 675m; sụp gãy 1 cầu, sạt lở 4 mố cầu, sạt lở nhà văn hóa ấp Minh Hưng. Hạn hán còn làm sạt lở 61 điểm với 1.345m đường thuộc đường tỉnh 965 và rạn nứt 790m, nhiều đoạn mặt đường sụt lún sâu 2m.
Người dân đi lại trên tuyến đường tỉnh 965, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, gặp khó vì mặt đường bị sụt lún, hư hỏng nặng, tiềm ẩn hiểm nguy.
“Những đoạn đường quanh đây rất dễ sụt lún vì thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, sau đó lại có một vài cơn mưa lớn. Tôi tận mắt thấy cảnh những đoạn đường cứ sụt dần, lún sâu vài mét. Mọi thứ thật sự đáng lo”, anh Nguyễn Thành Ngoan, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, chia sẻ.
Những đoạn đường tỉnh 965, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng bị nứt toạc, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân qua lại.
Theo UBND huyện U Minh Thượng, qua khảo sát thực tế tại nhiều điểm sạt lở, sụt lún gần đây trên địa bàn huyện, những điểm sụt lún thường là những đoạn nằm ngay đường cống của người dân, những đoạn đường người dân trồng cây có bộ rễ lớn như dừa, bạch đàn; những tuyến đường dọc theo các con kênh, đê bao. Nhà cửa người dân bị hư hỏng, sụt lún phần nhiều nằm ở khu vực mé sông, hoặc phía ngoài đê bao.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, huyện U Minh Thượng có 441 điểm thiệt hại đường giao thông do sạt lở đất, sụt lún đất, tổng chiều dài trên 11.000m. Trong đó, xã An Minh Bắc và Minh Thuận chịu thiệt hại nặng nhất. Riêng xã An Minh Bắc có 267 điểm sạt lở, sụt lún đất đường giao thông, tổng chiều dài gần 7.600m. Xã Minh Thuận có 174 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài gần 3.500m.
Toàn huyện U Minh Thượng có 42 căn nhà bị thiệt hại do sạt lở, sụt lún đất. Trong đó, xã An Minh Bắc có 31 căn, Minh Thuận có 11 căn nhà bị thiệt hại, ước thiệt hại trên 5,5 tỷ đồng. Theo thông tin từ UBND huyện U Minh Thượng, trong quá khứ, địa phương chưa từng chịu thiệt hại nặng nề bởi sạt lở, sụt lún đất như trong mùa khô năm 2024.
UBND xã An Minh Bắc cho biết trước tình hình sạt lở, sụt lún, nứt đất diễn biến phức tạp như hiện nay, UBND xã đã chủ động thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”, kịp thời hỗ trợ di dời những vật dụng trong gia đình người dân đến nơi an toàn, xây dựng nhà tạm để ở, động viên các hộ dân có nhà bị sạt lở, sụt lún; chỉ đạo các ấp huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún, thông tuyến để người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Đối với những đoạn đã sạt lở và đang sạt lở, sụt lún, UBND xã An Minh Bắc chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp ban lãnh đạo ấp làm rào chắn, gắn biển cấm, giăng dây, lắp biển báo, lắp hệ thống chiếu sáng tại 125 điểm sạt lở, sụt lún; lắp đèn cảnh báo, hoặc dùng những vật dụng sẵn có tại địa phương để cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm; lắp biển cấm các loại ô tô, xe tải không được lưu thông trên tuyến đường có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Mở 34 đường tạm để nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, giăng dây cảnh báo sạt lở tại 269 điểm.
Đối với các căn nhà sạt lở, sụt lún và có nguy cơ sạt lở, sụt lún, UBND xã An Minh Bắc đã chỉ đạo các lực lượng xung kích cùng ban lãnh đạo ấp hỗ trợ nhân dân di dời những vật dụng trong gia đình đến nơi an toàn và xây dựng nhà tạm để ở.
Đến nay, ban lãnh đạo các ấp thuộc xã An Minh Bắc đã làm cam kết di dời được 205 hộ, 119 hộ đã di dời, 141 hộ không có điểm di dời. Bên cạnh đó, UBND xã An Minh Bắc tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình có nhà bị sạt lở, sụt lún.
Sắp tới, UBND xã An Minh Bắc tiếp tục chỉ đạo các ngành, các ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún đất trong mùa khô; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ đang sinh sống, sản xuất trong khu vực vùng đệm không lấy đất từ các kênh để san lấp mặt bằng, nền nhà, hướng dẫn sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý để không làm mực nước ngầm cạn kiệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở, sụt lún đất ngày một nghiêm trọng hơn.
Lãnh đạo huyện U Minh Thượng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ có nhà mé kênh thuộc khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng nên di dời đến nơi an toàn; kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao.
Chính quyền địa phương, các ngành, ban lãnh đạo các ấp thường xuyên nắm tình hình, túc trực 24/24 giờ ghi nhận kịp thời những thiệt hại, chia sẻ, động viên, hỗ trợ người dân U Minh Thượng cả về vật chất lẫn tinh thần để bà con trong vùng sạt lở dần ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất.
UBND huyện U Minh Thượng chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, hạn hán, thông tin kịp thời đến UBND các xã và nhân dân để chủ động phòng tránh.
Các đơn vị tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo, xử lý của Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng để tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
HOÀNG GIÁM - HẢI ĐĂNG
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: