31/01/2023 13:44
Chị Thị Tút, ngụ ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) phơi cỏ bàng.
BIẾN CỎ THÀNH HÀNG HÓA
Cứ hai ngày một lần, từ 3 giờ sáng, nhiều phụ nữ ở Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ đi nhổ cỏ bàng để đan. Từ đôi bàn tay khéo léo của các chị, cỏ bàng làm ra rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được nhiều người ưa chuộng.
Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ được Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ thành lập năm 2017, hiện có 50 thành viên. Anh Lý Hoàng Bảo - Giám đốc Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ cho biết cỏ bàng được các thành viên phối hợp với các phụ liệu, phụ kiện để làm thành các sản phẩm như ba lô, túi xách, giày dép… phục vụ nhu cầu của thị trường. Đây là các sản phẩm thân thiện với môi trường, có tiềm năng phát triển rất cao.
Người lao động đan cỏ bàng tại nhà xưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Điền Phú Mỹ.
Tham gia hợp tác xã, ngoài thu nhập trung bình 3,65 triệu đồng/tháng/người, các thành viên còn được chia lợi nhuận trên 2 triệu đồng/tháng từ tổng lợi nhuận của hợp tác xã. Ông Tiên Khon, ngụ ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người làm nghề đan cỏ bàng. Ngoài việc đồng áng thì đan cỏ bàng là nghề được nhiều người dân lựa chọn. Bình quân mỗi tháng tôi kiếm được 3-4 triệu đồng. Số tiền này đủ để lo cho con, cháu đi học”.
Thời gian tới, Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên nâng cao thu nhập. “Hợp tác xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng làm việc; đẩy mạnh liên kết với các tổ hợp tác trên địa bàn xã và các xã lân cận. Đồng thời sản xuất nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn”, anh Lý Hoàng Bảo nói.
TẠO SINH KẾ VÀ GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Với diện tích nhà xưởng 1.000m2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Điền Phú Mỹ (gọi tắt Công ty Thảo Điền Phú Mỹ) hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài ra, công ty còn thu mua các sản phẩm và dạy nghề liên quan đến cỏ bàng cho trên 400 người dân.
Làm việc tại Công ty Thảo Điền Phú Mỹ được 2 năm, chị Thị Diệt, ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành chia sẻ: “Trước đây, tôi làm ruộng, những lúc rảnh rỗi thì làm thuê, đan cỏ bàng, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2020 đến nay, tôi làm việc tại công ty, thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng. Các chị em làm việc tại đây có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi, đến chốn”.
Người lao động sắp xếp tụng cỏ bàng tại nhà xưởng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Điền Phú Mỹ.
Không những tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, Công ty Thảo Điền Phú Mỹ còn giúp người dân huyện Giang Thành duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, cải thiện đời sống, phát triển bền vững đồng cỏ bàng trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ.
Theo ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Công ty Thảo Điền Phú Mỹ, công ty mở các lớp dạy nghề để người dân làm ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Sau đó, công ty thu mua các sản phẩm. Với cách làm này, người dân vừa nâng cao tay nghề, vừa cải thiện thu nhập.
Chị Thị Phum, ngụ tổ 4, ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành nhổ cỏ bàng.
Đang cùng con gái ép cỏ bàng bằng máy, chị Thị Tút, ngụ ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ cho biết, ngoài làm nghề đan cỏ bàng, gia đình chị còn thu hoạch, phơi và ép cỏ bàng để bán lại cho Công ty Thảo Điền Phú Mỹ. “Mỗi tháng, từ việc bán cỏ bàng cho công ty, tôi có thu nhập bình quân 5 triệu đồng. Lúc trước làm ruộng, làm thuê, thu nhập thấp”, chị Tút nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Trần Công Định cho biết: “Công ty Thảo Điền Phú Mỹ thường xuyên cung cấp mẫu mã và thu mua các sản phẩm từ cỏ bàng của người dân. Nhờ đan cỏ bàng, một số hộ trong xã đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Bài và ảnh: THANH NHÃ
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: